TP.HCM và các địa phương sẽ phối hợp ra sao để làm dự án vành đai 3?

(PLO)- Từng công việc, với mốc thời gian cụ thể đã được UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An thống nhất và ký kết triển khai thực hiện dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án thành phần trên địa phận từng địa phương.

Đưa ra tiến độ cụ thể

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án vành đai 3. UBND các tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với TP.HCM trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: Hồ Trang.

Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: Hồ Trang.

UBND TP.HCM và các tỉnh thành thực hiện theo các mốc tiến độ chính. Dự kiến, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7-2022.

Tháng 7-2022, các địa phương thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 (vốn ngân sách Trung ương là 17.146 tỉ đồng) từ Bộ GTVT về các địa phương. Giao kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 từ vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ (14.233 tỉ đồng) trong tháng 8.

Bắt đầu từ tháng 8, các địa phương sẽ tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng. Tháng 11 sẽ hoàn thành tổ chức khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án. Đồng thời, trong khoảng thời gian này hoàn thành phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tới tháng 3-2023, các địa phương sẽ tiến hành phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành Quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tháng 4-2023 sẽ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án. Bắt đầu từ tháng 10-2022 đến 30-12-2023, các địa phương bắt đầu bàn giao mặt bằng, trong đó bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Đến tháng 3-2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Theo kế hoạch phối hợp, tháng 6-2023, các địa phương phấn đấu khởi công dự án. Thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc vào tháng 10-2025.

Dự kiến đến tháng 6-2026 sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án. Bàn giao, quyết toán dự án hoàn thành năm 2027.

TP.HCM là cơ quan đầu mối

Công tác phối hợp triển khai dự án vành đai 3 thực hiện theo nhiều bước, với các nội dung cụ thể.

Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) bàn giao hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi cho các Ban Giao thông các địa phương, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

TP.HCM sẽ là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo trình Chính phủ định kỳ, cũng như các công việc đột xuất. Ảnh: ĐT.

TP.HCM sẽ là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo trình Chính phủ định kỳ, cũng như các công việc đột xuất. Ảnh: ĐT.

UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu, thống nhất khung tiêu chuẩn áp dụng cho toàn dự án. Trong đó, thống nhất các yếu tố hình học, giải pháp kỹ thuật tại các vị trí tiếp giáp của các dự án thành phần.

Đồng thời, TP.HCM sẽ ban hành thiết kế chung (quy cách hồ sơ, giải pháp kỹ thuật, kết cấu định hình, tổ chức giao thông, ...) áp dụng cho dự án đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, thẩm mỹ.

Song song là tổ chức lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu và các vật liệu xây dựng chủ yếu phục vụ dự án đảm bảo trữ lượng khai thác, chất lượng, tiến độ cung cấp phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án thành phần.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thống nhất về đơn giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh đảm bảo sự tương đồng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.

UBND TP.HCM sẽ thay mặt các tỉnh trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định, UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối thực hiện công tác tổng hợp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An có trách nhiệm báo cáo UBND TP.HCM các nội dung điều chỉnh liên quan để UBND TP.HCM thay mặt báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Trong trường hợp báo cáo đột xuất các vấn đề cần tháo gỡ, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất UBND TP.HCM làm đầu mối trao đổi, phối hợp với Tổ công tác Chính phủ để kịp thời giải quyết kịp các vướng mắc chung của toàn dự án.

Hàng năm, UBND các tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các dự án thành phần để UBND TP.HCM tổng hợp trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm