Theo dòng thời sự

TP.HCM và thương hiệu “nghĩa tình”

(PLO)-  Những ngày này, không khí tết cổ truyền đang dần len lỏi vào từng góc phố, căn nhà. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam mới “thấm đòn”, nhiều người lao động cũng đang chịu ảnh hưởng dây chuyền và có nguy cơ mất tết. Vì thế, không khí sắm sửa tết cũng có phần chùng xuống.

Thống kê của Liên đoàn Lao động Việt Nam vào cuối năm 2022, có khoảng 472.000 người lao động (NLĐ) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Đáng lo ngại, có hơn 41.000 NLĐ mất việc và 430.000 NLĐ bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng. TP.HCM - nơi tập trung người dân lao động nhập cư cũng chịu ảnh hưởng của tình hình chung. Trải qua hai năm dịch bệnh, không về quê ăn tết được, nhiều người đành bấm bụng ở lại thêm một cái tết vì không lẽ về quê mà tay không.

Hiểu được những trăn trở, lo toan của NLĐ, các cấp chính quyền và tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, người dân ở TP.HCM đã chung tay tổ chức đa dạng các hình thức chăm lo để ai cũng có tết như: Trao quà tết; siêu thị 0 đồng; hớt tóc miễn phí; tấm vé nghĩa tình hỗ trợ hàng chục ngàn vé tàu, xe, máy bay về tết cho công nhân lao động, sinh viên…

Mới đây nhất là siêu thị mini 0 đồng được mở đồng loạt ở năm điểm để thuận tiện cho người nghèo tiếp cận. Chứng kiến những lần “đi chợ” này mới thấy những nhu yếu phẩm như bột giặt, mì tôm dù được mua với giá 0 đồng nhưng cũng được họ cân nhắc cầm lên đặt xuống.

Mới đây, tại buổi trao quà tết nhân ái xuân Quý Mão 2023 do Hội Chữ thập đỏ TP tổ chức, cầm phần quà trên tay trị giá 1 triệu đồng, một phụ nữ rưng rưng nước mắt: “Chưa bao giờ tôi nhận được nhiều quà như vậy”.

Vậy mới thấy phần quà vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng cũng là “xa xỉ” và vô cùng quý giá với người nghèo. Tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã sưởi ấm trái tim những người có hoàn cảnh khó khăn, để họ cảm thấy “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là trong dịp tết.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách” không chỉ chờ đến hẹn lại lên, TP.HCM từ trước đến nay vẫn luôn gìn giữ và phát huy thương hiệu là “TP nghĩa tình”. Còn nhớ trong đợt dịch COVID-19, những cây ATM gạo chưa kịp vơi lại đầy, quán cơm 2.000 đồng mọc lên ngày càng nhiều, khắp các con đường, hẻm nhỏ ở TP.HCM, người đi đường không còn ngạc nhiên với những ổ bánh mì, ly nước miễn phí…

Dự báo 2023 vẫn là năm khó khăn, được chăm lo tạm thời, những người nghèo chắc chắn sẽ lại được tiếp thêm động lực vượt qua nghịch cảnh và vơi bớt khó khăn.

Tuy nhiên, cái mà người nghèo cần đồng hành và chia sẻ về lâu dài vẫn là những chính sách giúp họ an cư lạc nghiệp. Chẳng hạn nếu được ở trong những ngôi nhà xã hội trả góp bằng tiền thuê nhà hằng tháng, NLĐ, công nhân không còn phải chật vật sống trong những căn nhà trọ ẩm thấp. Bên cạnh đó, cần thêm những hoạt động đào tạo nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc, khởi nghiệp, bảo trợ học tập cho con em những gia đình không có điều kiện…

Tin rằng cùng với thương hiệu “TP nghĩa tình” vốn như dòng mạch ngầm trong lành của TP.HCM, các hoạt động hỗ trợ chiều sâu, đồng bộ sẽ giúp NLĐ yên tâm cống hiến, đưa TP.HCM ngày một hiện đại, văn minh, nghĩa tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm