Trả hồ sơ vụ cựu công an lừa 'chạy việc' để chiếm đoạt tiền tỉ

(PLO)- Dù không có chức năng, khả năng nhưng bị cáo Nguyễn Ngọc Hải vẫn hứa hẹn xin vào ngành công an cho nhiều người, từ đó chiếm đoạt tiền tỉ của họ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Ngày 4-9, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Hải, cựu giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số nội dung.

Theo hồ sơ vụ án, khi còn là giảng viên khoa Quân sự võ thuật, Trường ĐH phòng cháy chữa cháy, từ năm 2014-2018, mặc dù không có chức năng, khả năng nhưng bị cáo Hải vẫn giới thiệu bản thân mình có thể xin việc vào ngành công an, chuyển từ công an nghĩa vụ sang chuyên nghiệp cho những người quen để họ tin tưởng đưa tiền cho Hải xin việc.

cựu công an giảng viên.jpg
Bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: XA

Tổng cộng, cựu công an đã lừa đảo 4 bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỉ đồng. Cụ thể, cuối năm 2014, bà Trần Thúy N là chị họ của bị cáo có con trai vừa tốt nghiệp cấp 3. Qua nói chuyện, cựu công an hứa có thể xin cho cháu họ đi nghĩa vụ công an, hết thời hạn nghĩa vụ thì sẽ chuyển chính thức vào ngày. Chi phí là 360 triệu đồng.

Tin tưởng bị cáo là người nhà, đang làm việc trong ngành công an, bà N đưa số tiền trên cho bị cáo.

Năm 2015, con trai bà N đi nghĩa vụ. Khi gần hết thời hạn phục vụ 3 năm, đầu tháng 8-2018, bị cáo nói với chị họ cần thêm 200 triệu đồng để chuyển sang công an chính quy. Tuy nhiên, bà N không đồng ý vì thỏa thuận ban đầu chỉ có 360 triệu đồng. Sau đó, bà N đưa cho cho bị cáo thêm 50 triệu đồng.

Tháng 8-2018, con trai bà N có quyết định xuất ngũ. Bị cáo nói với bà 2-3 tháng sau sẽ xin lại vào ngành. Tuy nhiên, cựu công an không thực hiện được hứa hẹn, cũng không trả lại tiền cho bà N.

Một trường hợp khác, năm 2015, bà Vũ Thị T có con trai là anh Nguyễn Sỹ C đi nghĩa vụ công an phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội. Thông qua con rể, bà T biết thông tin ông Hải có khả năng xin việc vào ngành công an.

Bà T nhờ bị cáo xin cho con trai được ở lại biên chế trong ngành công an. Ông Hải đồng ý, hứa giúp cho anh này được ở lại ngành công an và được đi học Trung cấp trong năm 2017 với “chi phí” là 500 triệu đồng. Bà T đã đưa cho ông Hải khoản tiền này.

Đến đầu tháng 2-2018, thấy con trai ra quân nhưng vẫn chưa được vào ngành công an nên bà T đã gọi điện hỏi. Lúc này, cựu công an vẫn hứa hẹn đang lo thủ tục.

Vài tháng sau, Hải tiếp tục đưa ra thông tin hiện có 1 suất cho anh C vào Cảnh sát cơ động và yêu cầu gia đình bà T chuyển thêm 300 triệu đồng. Cùng ngày, bà T chuyển thêm 300 triệu đồng như bị cáo yêu cầu.

Đến tháng 11-2018, anh V vẫn không được vào ngành công an như hứa hẹn. Sau nhiều lần Hải khất lần không trả lại khoản tiền 800 triệu đồng nói trên, bà T đã làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Ngoài ra, còn 2 trường hợp bị hại khác cũng tin tưởng, đưa tiền cho cựu công an nhờ xin chuyển Công an chính quy, xin vào làm kế toán Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1.

CQĐT xác minh tại các đơn vị như Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an TP Hà Nội, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1… cho thấy họ không tiếp nhận hồ sơ của các bị hại.

Hải bị tước danh hiệu công an nhân dân vào tháng 5-2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm