Những ngày gần đây, giá vàng biến động mạnh. Có thời điểm giá vàng SJC lên đến trên 80,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Đến hôm qua (28-12) giá vàng đột ngột giảm sâu, đặc biệt biên độ chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC được các công ty vàng nới rộng lên tới 4 triệu đồng/lượng.
Thực trạng này cho thấy giá vàng miếng SJC luôn diễn biến theo kiểu “một mình một chợ”. Chính điều này khiến những người mua vàng miếng SJC bị thiệt đơn thiệt kép: Vừa phải gánh chịu rủi ro lớn về mức giá khi mua đắt hơn 18-20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, vừa chịu lỗ do chênh lệch quá bất thường giữa giá mua và giá bán.
Người dùng chịu thiệt kép
TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: Về phía cung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và trong 10 năm qua gần như không tăng nguồn cung vàng miếng. Đây là một trong nguyên nhân chính gây thiếu nguồn cung khiến giá vàng tăng sốc và chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới.
“Vàng SJC bản chất là một loại tiền tệ. Giá vàng SJC tại Việt Nam là giá tiền tệ đặc thù chứ không phải là giá vàng nguyên liệu. Vì khi Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC cũng đã xác nhận vai trò như tiền tệ của vàng miếng SJC. Do đó, giá vàng miếng SJC hoàn toàn phụ thuộc vào cung và cầu trong nước chứ không theo biến động của giá vàng thế giới” - TS Ánh lý giải.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cũng nhìn nhận giá vàng SJC vừa qua có thời điểm tăng nóng lên mức trên 80 triệu đồng/lượng, một mức đỉnh lịch sử của giá vàng Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới nên biến động cùng chiều khi giá vàng thế giới tăng cao. Tuy nhiên, nếu như giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ thì giá vàng SJC tăng rất mạnh. Bởi vì nguồn cung vàng SJC hiện nay khá hiếm do không còn được sản xuất, mà chủ yếu chỉ mua bán trao đổi lẫn nhau.
Thứ hai, người tiêu dùng nhìn thấy vàng thế giới có khả năng còn tăng cao hơn trong tương lai vì tình hình địa chính trị, khả năng Mỹ giảm lãi suất, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn lớn. Do đó, người tiêu dùng sợ giá vàng trong nước tiếp tục tăng nên tranh thủ mua vào. Ngoài ra, dịp lễ hội cuối năm, nhu cầu mua vàng lớn hơn bán nên cũng góp phần đẩy giá vàng SJC lên cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định Nghị định 24/2012 quy định Nhà nước nắm quyền quản lý và sản xuất vàng SJC đã tác động mạnh đến giá vàng miếng SJC tăng kỷ lục và tạo ra độ chênh bất thường giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ngoài ra, tính độc quyền cũng tạo ra độ vênh giá rất lớn giữa vàng miếng SJC với nhiều thương hiệu vàng miếng khác, dù cùng chất lượng và trọng lượng tương đương nhau.
Do đó các chuyên cho rằng đã đến lúc trả lại sự bình thường cho vàng miếng SJC như mọi lại vàng miếng khác trên thị trường. Làm như vậy người tiêu dùng sẽ có lợi do thị trường vàng giờ đây có nhiều người tham gia thì chắc chắn hình thành giá cả bình quân. Khi đó giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới chứ không chênh lệch gần 20 triệu đồng như vừa qua.
Ngoài ra, khi trả lại thị trường vàng miếng một cách bình thường, một cái lợi khác là sẽ huy động được lượng vàng rất lớn trong dân vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó đem lại nhiều nguồn lợi ích cho xã hội, thay vì chỉ để yên trong két sắt nhà dân như hiện nay.
Cần có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường.
Xem xét sửa Nghị định 24, không để giá vàng SJC quá cao
Trước sự biến động mạnh của thị trường vàng thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1426 gửi thống đốc NHNN và các bộ, ngành chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Công điện nêu rõ thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền.
Dứt khoát không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
“Cần có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua” - công điện nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu NHNN đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... để có giải pháp quản lý, đảm bảo khả thi, hiệu quả, đúng quy định, gắn với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
“Tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Qua đó đảm bảo có một thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững” - Thủ tướng chỉ đạo.•
Vàng miếng SJC lao dốc, nhiều người lỗ đậm
Vào đầu phiên chiều 28-12, giá vàng miếng SJC liên tục lao dốc. Mỗi lần thay đổi, các cửa hàng vàng điều chỉnh giảm giá lên tới cả triệu đồng mỗi lượng.
Đơn cử tính đến lúc 14 giờ, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm tới 4,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết giá mua - bán ở mức 73 - 76,02 triệu đồng/lượng.
Tại các công ty kinh doanh vàng lớn khác như Mi Hồng, Eximbank, TPBank Gold, Bảo Tín Minh Châu... cũng giảm giá vàng miếng SJC tới gần 6 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu ai mua đúng thời điểm giá vàng miếng SJC đạt mức cao kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng cách đây vài ngày thì đến nay họ đã lỗ đến 8 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vậy, mức chênh lệch quá bất thường giữa giá mua - bán vàng SJC lên tới 4 triệu đồng/lượng (bình thường chênh lệch chỉ khoảng 600.000-800.000 đồng/lượng) cho thấy giới kinh doanh vàng đang đẩy rủi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng mua giá đắt nhưng khi bán lại sẽ lỗ ngay hàng triệu đồng.