Suốt từ đêm 8-12 đến hết ngày 9-12, hầu hết đường phố Đà Nẵng ngập sâu trong nước. Mưa vẫn tiếp tục trút và chưa có dấu hiệu dứt. Người dân TP đánh giá đây là lần đầu tiên trong suốt 40 năm qua, TP phải hứng chịu cơn mưa lớn lịch sử như vậy. Ngập lụt tệ hại nhất diễn ra tại khu vực các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Thiệt hại do mưa ngập là rất nặng nề.
Cả thành phố chìm trong nước
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Lý Tự Trọng, Hải Hồ, Tống Phước Phổ, Ông Ích Khiêm, Đống Đa, Trưng Nữ Vương… ngập chìm trong nước.
Nhiều khu dân cư đông đúc như khu vực ngã ba Huế, quanh bờ hồ Hàm Nghi, Phan Thanh… hầu hết nhà dân đã bị ngập nước, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Các khu nhà trọ sinh viên, công nhân thì khốn khổ do đồ đạc ướt mèm vì không kịp chạy lũ.
Bên cạnh đó, rất nhiều tầng hầm của nhà dân và doanh nghiệp bị ngập nặng, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã được huy động để tăng cường hút nước các tầng hầm chống ngập, bảo vệ tài sản cho người dân.
Suốt đêm 8-12, người dân nhiều nơi tại các quận Hải Châu, Thanh Khê phải hớt hải chạy lũ, thức trắng đêm để dọn đồ đạc lên cao.
Tầng hầm chung cư Quang Nguyễn (quận Hải Châu) và chung cư Hoàng Anh Gia Lai trên đường Hàm Nghi chìm trong nước. Chị Lê Thanh Hằng, ở chung cư Quang Nguyễn, cho hay mưa lớn khiến nước vào cả căn hộ của chị nằm ở tầng bốn. “Đây là lần đầu tiên tôi mới thấy cảnh này. Tầng hầm cũng ngập luôn, ô tô và xe máy ngâm trong nước. Cầu thang bộ từ dưới hầm lên cũng ngập sâu, không ai dám mạo hiểm ra ngoài. Các tuyến đường thì biến thành sông” - chị Hằng cho hay.
Trong khi đó, trên các tuyến đường Hải Phòng, Cách Mạng Tháng Tám, Tống Phước Phổ, Trưng Nữ Vương… ô tô chết máy ngập trong nước la liệt. Có hàng ngàn ô tô ở Đà Nẵng bị ngâm nước trong trận ngập này. Xe máy thì không thể di chuyển trên đường vì chết máy. Nhiều tuyến đường bị lực lượng chức năng phong tỏa không cho lưu thông vì nguy hiểm. Hàng trăm người tình nguyện được huy động đi dọc các cống thoát nước để móc rác cho nước thoát.
Người dân Đà Nẵng di chuyển xe ô tô đi tránh lũ. Ảnh:TÂM AN
Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đội mưa kiểm tra việc chống ngập. Ảnh: TẤN VIỆT
Lực lượng Công an TP Đà Nẵng cáng một người dân đau ốm chạy lũ. Ảnh: TÂM AN
Đường sắt tê liệt, học sinh được nghỉ học
Khoảng 8 giờ sáng 9-12, tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị sạt lở nặng nề. Đất đá giằng chống đường sắt bị kéo tụt xuống nước tạo thành hố sâu. Nguy cơ có thể xảy ra tai nạn nếu để tàu tiếp tục chạy nên ngành đường sắt buộc phải phong tỏa, các tàu được lệnh dừng chạy để khắc phục sự cố.
Các tàu buộc phải chuyển tải hành khách từ ga Đà Nẵng qua ga Lệ Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và ngược lại. Cụ thể, có sáu chuyến tàu bị trễ chuyến và phải chuyển tải qua khu vực sạt lở. Phải đến 16 giờ 30 cùng ngày, khu vực bị hư hỏng mới được khắc phục và thông tuyến.
Tại một số khu vực trường học bị ngập lụt vô cùng nguy hiểm nên Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã phải cho học sinh nghỉ học. Tối 9-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết đã thông báo cho học sinh toàn TP được nghỉ học vào hôm nay (10-12). Ông Vĩnh cũng cho biết có nhiều trường học bị ngập sâu, có trường ngập sâu tới 1,5 m. Nước tràn vào phòng học khiến giấy tờ, hồ sơ, bàn ghế bị ướt.
“Sở vẫn đang theo dõi sát tình hình, nhất là đối với những khu trũng như Liên Chiểu hay Hòa Vang” - ông Vĩnh cho biết.
Cũng trong chiều 9-12, gần 1 km bờ biển Mỹ Khê thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bị sạt lở và chưa có dấu hiệu dừng lại do mưa lớn vẫn kéo dài. Đại diện Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng cho biết do mưa lớn vẫn đang tiếp diễn nên tình trạng sạt lở tại khu vực bờ biển Mỹ Khê vẫn chưa được khắc phục.
Một diễn biến khác, tại khu vực cống xả Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), nước mưa tràn qua khu vực này để chảy ra biển Mỹ Khê với một lượng rất lớn đã khiến hơn 500 m bờ biển xung quanh bị xé toạc hoàn toàn. Hiện tình trạng sạt lở tại bãi biển Mỹ Khê đã kéo dài vào trong hơn 50 m. Một lượng lớn rác thải các loại tràn khủng khiếp ra biển.
Mưa lớn còn đe dọa Đà Nẵng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, nhận định nguyên nhân gây ngập toàn TP là do lượng mưa vượt ngưỡng thiết kế đối với các cửa thu nước. Cụ thể, theo ghi nhận, từ 2 giờ sáng 9-12 đến 13 giờ cùng ngày, tổng lượng mưa trên 500 mm và là trận mưa lịch sử tại TP Đà Nẵng.
“Các cửa thu thu không hết nước vì quá tải. Những vị trí thường xuyên ngập thì lại ngập nặng hơn. Vấn đề nữa là rác, phải huy động tổ dân phố, phường, quận khơi thông những vị trí rác tấp vào quá nhiều, gây tắc cống” - ông Mã nói.
Theo ông Mã, dự báo mưa vừa, mưa to còn tiếp diễn trong đêm 9-12 và ngày 10-12. “Đơn vị sẽ tập trung toàn bộ lực lượng khơi thông cống rãnh, cố gắng cho nước thoát tối ưu nhất. Tuy nhiên, với lượng mưa lớn chưa từng có này thì ngập còn tiếp diễn” - ông Mã cho hay.
Quảng Nam, Quảng Trị thiệt hại lớn - Mưa lớn kéo dài từ đêm 8-12 kèm gió giật mạnh khiến 40 lồng cá điêu hồng của anh Nguyễn Xuân Ngọc (trú phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đứt dây neo và trôi theo dòng lũ. “Hết rồi! 3 tỉ đồng trôi theo dòng lũ” - anh Ngọc than thở. - Tại TP Hội An (Quảng Nam), các tuyến đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh, Bạch Đằng… cũng bị nhấn chìm, chia cắt giao thông nội thành. Người dân phải đóng cửa chạy lũ. - Ông Trương Quang Hiền (trú phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) kể mưa lớn kéo dài, nước ồ ạt đổ về khiến nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1 m, nhiều nhà dân bị cô lập. Dù sống ở đây hàng chục năm nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh nước lũ về nhanh và ngập sâu như vậy. Hiện tại, tại tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận hai trường hợp tử vong cùng trú khu phố 2, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị. Được biết trong lúc đang dọn dẹp nhà cửa chống lũ thì bức tường nhà bị sập khiến cả hai người tử vong. Nước cũng cuốn trôi hàng chục hồ cá, tôm ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh…, thiệt hại rất lớn nhưng vẫn chưa có thống kê cụ thể. Ngay trong sáng 9-12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý thoát nước, phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra. |