Ngày 19-7, ENV có thông cáo báo chí, bày tỏ lo ngại về việc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cấp phép cho một số hộ dân nuôi tê tê nhằm mục đích thương mại.
Theo ENV, hiện nay, các cơ quan khoa học của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) chưa hề xác nhận việc tê tê có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường nuôi nhốt. Việc cho nuôi tê tê thương mại nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng “hợp thức hóa” những con tê tê săn bắt trong tự nhiên.
“Chúng tôi có bằng chứng cho thấy có chủ trang trại thừa nhận thường xuyên mua tê tê con bất hợp pháp để khai báo tăng đàn” - EVN khẳng định thêm.
Một cá thể tê tê được nuôi nhốt trong trang trại ở Tây Ninh. Ảnh do ENV cung cấp.
ENV cho rằng theo Nghị định 82/2006/NĐ-CP phải có sự xác nhận bằng văn bản của cơ quan khoa học CITES mới có thể xem xét cấp phép cho gây nuôi các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm như tê tê. Do đó, việc Chi cục Kiểm lâm cho phép nuôi tê tê khi chưa có sự đồng ý của các cơ quan khoa học thuộc CITES là không hợp lý.
Liên quan đến vụ việc này, trong văn bản trả lời EVN mới đây, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh lại cho rằng kiểm lâm là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký của các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng… chứ không có quy định phải xin ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan khoa học CITES Việt Nam.
Để chứng minh nuôi tê tê nuôi nhốt vẫn có thể sinh sản được, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh dẫn chứng một bài báo khoa học về việc nuôi tê tê sinh sản thành công ở Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tuy nhiên, trả lời EVN về vấn đề trên, ông Trần Quang Phương, chuyên gia Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê - Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết từ năm 2005 đến nay, đơn vị này chỉ ghi nhận tám trường hợp tê tê sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt nhưng những cá thể tê tê mẹ đã có thai từ trong tự nhiên trước khi được chúng tôi cứu hộ.
Mặt khác, trong số tám trường hợp trên chỉ có một trường hợp duy nhất tái thả thành công vào tự nhiên cùng với cá thể mẹ.
Theo ENV, tê tê khó sinh sản nên việc cho phép nuôi thương mại sẽ dễ dẫn đến tình trạng hợp thức hóa tê tê săn bắt ngoài tự nhiên. Ảnh do ENV cung cấp
PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng cho rằng tê tê là loài khó thích nghi với môi trường không phải sinh cảnh tự nhiên của chúng. Để loài này sinh trưởng và phát triển trong môi trường nuôi nhốt đã là cả một thách thức. Để chúng sinh sản được còn khó khăn gấp nhiều lần.
Theo PGS-TS Lê Xuân Cảnh, tê tê sinh sản khá chậm, mỗi lứa lại chỉ đẻ một con nên việc gây nuôi thương mại loài này không phải là lựa chọn hợp lý để phát triển kinh tế.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV bày tỏ: Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cần dừng việc cấp phép mới và thu hồi lại những giấy ghép đã cấp cho các cơ sở gây nuôi thương mại tê tê. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán, hợp pháp hóa tê tê qua các trang trại và bảo vệ loài động vật hoang dã này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.