Đó là một trong những ý kiến được nêu ra tại diễn đàn “Lắng nghe ý kiến trẻ em” do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức. Nhiều học sinh (HS) đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT đã bày tỏ ý kiến sôi nổi về việc này. Trong đó có những em HS đòi lãnh đạo các sở, ngành phải tìm cách giải quyết cho được… vấn nạn nói tục, chửi thề trong giới HS.
Không chửi thề là… “quê một cục” (?!)
Em NTH (12 tuổi, quận 4) cho biết: “Nhiều bạn của con nói một câu là có tới hai, ba từ tục tĩu. Lên Facebook các bạn chửi thề càng ghê hơn. Có lần con góp ý thì các bạn nhìn con như người ngoài hành tinh”.
NVT (11 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết em rất dị ứng với những lời nói tục tĩu, chính vì vậy em “quê một cục” trong mắt các bạn bè mình. Em cho rằng những lời nói đó không đẹp, không tôn trọng phẩm giá người khác nhưng mỗi khi em nói như thế thì các bạn em…bò ra cười. Em nói: “Bây giờ ai không nói tục, chửi thề mới là HS cá biệt đó cô”.
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Duyên (THPT Châu Thành A, Bến Tre) chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMrằng việc học trò nói tục, chửi thề ngày nay phổ biến. Có nhiều HS của cô không nói bậy khi có mặt người lớn nhưng chỉ cần lướt qua cổng trường là nói bậy rổn rảng. Có một HS ngoan hiền nhất lớp nhưng cũng phải làm cô bất ngờ khi đọc trên Facebook em dòng cảm thán: “Đề thi như l…”. Cô nói: “Tôi đã rất sửng sốt. Sau khi nhắc nhở các em, tôi càng nhắc nhở mình giữ gìn kỹ càng lời ăn tiếng nói để làm gương cho các em”.
Người lớn cũng nói bậy mà cô!
Cô giáo Phạm Châu Pha (dạy ở một trường THCS ở quận 1) chia sẻ điều khiến cô lo lắng hiện nay là nhiều chủ tài khoản Facebook nổi tiếng có hàng ngàn lượt người theo dõi lại rất hay nói bậy, chửi tục. Một số chủ tài khoản nổi tiếng là bạn của cô. Vì vậy, Facebook cô luôn để chế độ hạn chế theo dõi và không kết bạn với HS. Cô nói: “Độ tuổi cấp II các con còn nhạy cảm lắm. Mình có thể miễn nhiễm chứ các con thì không”.
Có một lần một phụ huynh đã hoảng hốt gọi điện thoại cho cô sau khi bà vô tình mở Facebook của con. Con gái bà, một cô gái học giỏi nhất nhì trong lớp, rất ngoan hiền trong mắt cha mẹ nhưng nói chuyện trong nhóm bạn với những từ ngữ vô cùng tục tĩu. Khi cô trò chuyện với HS của mình, có HS hồn nhiên nói: “Người lớn cũng chửi thề mà cô!”.
Người nổi tiếng chửi thề
Nhiều người nổi tiếng nói bậy, chửi tục trên Facebook như các ca sĩ Duy Mạnh, Trọng Hiếu, Tuấn Hưng, người mẫu Trang Trần… và đã bị cộng đồng mạng phản ứng. Theo cô Lê Thị Huệ (Trường Colette, quận 3), đây là một điều đáng lo ngại bởi nó đã khuyến khích nhiều em nhỏ bắt chước, thậm chí ngay cả khi họ viết tắt câu, cụm từ thô tục. Cô nói: “Viết tắt như một kiểu lừa dối bản thân hoặc giảm nhẹ tình huống thôi, ai cũng biết ngữ nghĩa của các cụm từ là thô tục”.
Theo cô Huệ, người lớn cần nhận thức rằng giao tiếp trên mạng xã hội không giống như nói trong phòng riêng bởi ai cũng có thể đọc được. Người lớn khi tham gia mạng xã hội nên nghĩ tới ảnh hưởng của mình đối với con trẻ.
Tại sao xúc phạm đấng sinh thành của người khác? Chúng ta phải kiên nhẫn dạy trẻ về giá trị, tạo hệ miễn dịch cho con trẻ. Đó là phải kiên nhẫn theo đuổi việc phân tích nói bậy là xấu hay tốt, cho trẻ lựa chọn muốn trở thành ai trong mắt người khác khi giao tiếp với những từ ngữ đó trong các hoàn cảnh khác nhau. Nhắc đến người mẹ là thiêng liêng nhất, tại sao lại chửi người khác bằng việc xúc phạm đấng sinh thành, trẻ có cảm thấy tổn thương không? Khi trẻ suy nghĩ nghiêm túc và tự tìm ra câu trả lời, người lớn chúng ta không cần phải áp đặt hay cấm cản nữa, tự trẻ sẽ có lựa chọn. ThS ĐỖ THỊ XUÂN HƯƠNG, giảng viên môn Kỹ năng sống, ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM Nguy cơ tổn thương lớn khi bị gán nhãn vô giáo dục Tôi nói với HS rằng việc nói tục không phản ánh hoàn toàn nhân cách của ai đó nhưng điều đó là không tốt. Nhiều người nói tục, nói bậy có thể để chứng tỏ cá tính bản thân hoặc để đùa vui Facebook thôi. Vì nhiều người chỉ biết các con qua Facebook nên họ có thể sẽ gán nhãn người nói là vô giáo dục. Điều này có thể gây tổn thương lớn mãi về sau này. Cô LÊ THỊ HUỆ, Trường Colette, quận 3, TP.HCM |