Đi trên các cung đường Campuchia đã để lại trong tôi khá nhiều ấn tượng. Trừ thủ đô Phnôm Pênh ra thì gần như ở các tỉnh chúng tôi không thấy cảnh sát giao thông chốt chặn và bắn tốc độ như ở Việt Nam.
Xe 15 chỗ chở 45 người
Có lẽ do luật lệ giao thông không nghiêm ngặt nên xe hai bánh cứ tự do chở ba, chở tư. Tư thế ngồi xe cũng rất lạ, người cầm lái thì hai chân dang hai bên nhưng hai người ngồi phía sau thì họ cứ ngồi ngang, chân thòng một bên, người xoay bên này, người xoay bên kia cho cân đối. Đi một đoạn không xa chúng ta lại gặp những chiếc xe chở khách. Đó là những chiếc xe 15 chỗ cũ kỹ chạy chậm chạp và thả khói đen vì chở quá nặng. Họ chất hàng, người hết trong xe mà còn kê thêm một cái kệ để chở thêm hàng khiến chiếc xe phải chỏng đít xuống. Còn trên mui xe họ chất hàng cao nghều và trên hàng là hàng chục khách ngồi trên đó. Tài xế của đoàn chúng tôi nói rằng: “Xe 15 chỗ có thể chở 45 người mà không ai nói gì”.
Mật độ xe cộ ở đất bạn thưa hơn Việt Nam rất nhiều. Vùng nông thôn chủ yếu là xe hai bánh và có cả xe bò, xe ngựa tham gia giao thông. Một điều đặc biệt là có nhiều xe hai bánh không đăng ký biển số và có rất nhiều xe bốn bánh không có biển số. Thế nhưng xe vẫn lưu thông bình thường, không thấy ai kêu lại hỏi.
Hệ thống đường nhỏ nhưng xe lưu hành với tốc độ khá cao. Xe chúng tôi di chuyển thường ở tốc độ hơn 100 km/giờ. Một điều thú vị là đi trên đường ở đất nước này hầu như không nghe một tiếng còi nào cả. Thỉnh thoảng, vì vô ý, tài xế tút còi lập tức nhận được những ánh mắt giận dữ. Ở các nước khác trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc cũng vậy, đi ngoài đường cả ngày không bao giờ nghe tiếng còi xe. Bấm còi dường như là một điều tối kỵ đối với họ. Tiếng còi inh tai chắc chỉ tìm thấy ở Việt Nam.
Xe hơi rẻ như xe máy
Đi vào các thành phố thì xe bốn chỗ khá nhiều mà toàn là loại xe sang trọng. Tài xế chở đoàn chúng tôi nói: “Ở Campuchia chỉ có những người nghèo không có tiền đổ xăng mới mua xe hai bánh. Chứ mua xe bốn bánh ở đây tính ra rẻ hơn xe hai bánh”. Một chiếc xe hai bánh xoàng xoàng nhập từ Thái qua cũng hơn 1.000 USD, thế nhưng ta lấy hơn 1.000 USD đó đi mua xe bốn chỗ là được một chiếc Honda hoặc chiếc Toyota đời 2004, giá trị sử dụng còn đến 80%-90%. Một chiếc Toyota Lexus năm chỗ, đời 2007, ở Việt Nam có giá gần tỉ đồng thì ở Campuchia chỉ có 15.000-16.000 USD. Tại thủ đô Phnôm Pênh, nhiều cô cậu thanh niên lái những chiếc xe Lexus trị giá vài tỉ đồng ở Việt Nam. Nhiều nhà ở các khu phố hầu như nhà nào cũng có một chiếc xe xịn. Chị hướng dẫn đoàn bảo: “Ở đây chủ quán cà phê nho nhỏ là đã đi xe bốn chỗ rồi”.
Trên đường phố Phnôm Pênh, những chiếc xe Camry đời 2000 vẫn còn mới tinh, giá chỉ có 70 triệu đồng Việt Nam. Ảnh: PTN
Campuchia xe rẻ là vì chính phủ áp thuế không đáng kể. Và giá xe rẻ cũng bởi người ta nói Campuchia là cái túi chứa của xe đã kinh qua sử dụng của quốc tế. Nhiều người đi trong đoàn chúng tôi chặc lưỡi thèm thuồng những chiếc xe đẹp, giá rẻ ở Campuchia. Họ bảo: “Phải chi ở Việt Nam mình xe rẻ như thế, mình mua một chiếc chiều chiều chở vợ con đi chơi”. Tôi và người bạn cứ rảo quanh đường phố thủ đô Phnôm Pênh mà nhìn ngắm, sờ sẫm những chiếc xe Camry đời 2000 vẫn còn mới tinh, giá chỉ có 70 triệu đồng Việt Nam rồi chặc lưỡi hít hà.
Nhìn hệ thống đường sá chưa tốt, nhìn cung cách quản lý trật tự giao thông ở nước bạn sẽ khiến nhiều người có một nhận định sai lầm. Và tôi xin nói ngay rằng một điều lạ lùng là tai nạn giao thông ở Campuchia rất thấp. Bốn ngày đêm rong ruổi chúng tôi không thấy một tai nạn giao thông nào, đi xa hàng trăm kilomet mới thấy những hình vẽ tai nạn giao thông trên mặt đường và rất cũ kỹ. Lý giải cho vấn đề này có hai nguyên nhân: Thứ nhất là do mật độ dân số, xe cộ thưa nên lưu lượng xe thưa; thứ hai là ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người đi đường.
Điều thứ hai này làm cho chúng ta có nhiều suy nghĩ. Trước mắt chúng tôi, trên những cung đường, người ta đi lại rất trật tự, không thấy lạng lách. Xe hai bánh đi đúng trên làn xe hai bánh, đặc biệt là học sinh và người đi xe đạp họ đi vào cái đường đất đỏ ven lộ nhựa. Chúng tôi cũng ít thấy ai giành đường vượt ẩu, bấm còi inh ỏi. Tôi trộm nghĩ việc ấy được phát xuất từ cội nguồn văn hóa của đất nước chùa tháp, đất nước Phật giáo. Ở đó, ý thức vì cộng đồng, tôn trọng khuôn phép của xã hội là thái độ sống của mọi người, đã làm nên điều ấy.
Đất nước Campuchia thật có quá nhiều chuyện lạ.
Biển Hồ mênh mông Biển Hồ, hay còn gọi là “Tonle Sap”, hình thù như một củ khoai lang, nằm chếch về phía nam so với trung tâm của đất nước Campuchia. Nó nằm lọt trong địa phận của năm tỉnh. Diện tích rộng đến 13.000 km2, chỗ sâu nhất vào mùa mưa đến 20 m. Đây là một trong những cái hồ rộng nhất của Trái đất. Từ thành phố du lịch Siem Reap chúng tôi đi xe 15 phút là tới một địa điểm du lịch của biển Hồ. Muốn ra thăm biển Hồ bằng những chiếc ghe gỗ chạy máy xe trong vòng một giờ, bạn phải trả 20 USD. 20 USD tuy không nhỏ nhưng cũng chẳng lớn chút nào so với việc được chiêm ngưỡng một kỳ quan thiên nhiên của châu Á và những tập quán sinh hoạt lạ lùng của nó. Quanh năm suốt tháng ở đây lúc nào cũng không ngớt khách du lịch, họ ở khắp nơi trên thế giới đến. Khi đến bến mua vé xong, xuống thuyền chạy khoảng 20 phút là ra đến biển Hồ. Trong 20 phút chờ ngắm biển Hồ du khách cũng được xem một “nếp ở” đặc biệt của cư dân quanh biển Hồ. Tức là họ sống trong một căn nhà rất tạm bợ, hễ nước hồ dâng cao vào mùa lũ là họ khiêng căn nhà của mình lên xe chạy lũ mà không cần phải tháo rời. Và rồi biển Hồ mở ra trước mắt chúng tôi một không gian bao la không thấy bờ bến ở đâu. Mùa này nước hồ đầy ứ và đục ngầu phù sa. Đi ra biển Hồ là chúng ta bắt gặp cái xã hội con người trên biển Hồ. Đó là những quần cư đông đúc với hàng ngàn ngôi nhà sống thành làng, thành xóm, có hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… Thật là cảm động khi chúng tôi bắt gặp một cái làng Việt Nam. Ở đó có cả trường học, ghi biển hiệu trường: “Trường học Việt Nam”. Nghe chúng tôi nói tiếng Việt lập tức cả xóm xôn xao vẫy tay chào. Chúng tôi ghé thăm lớp dạy chữ cho trẻ em Việt Nam do ông Mười quản lý, ai cũng xúc động, chúng tôi gom tiền lại được mấy triệu đồng để cho các em. Cư dân ở các làng trên biển Hồ sống trong những căn nhà bè hoặc trên những chiếc ghe có làm mái nhà. Có những hộ sống giản đơn hơn thì sống trên một ghe nhỏ. Trên những căn hộ trên nước ấy người ta có nuôi thú vật, gia súc và trồng cả hoa kiểng nữa. Chứng tỏ rằng họ ở đây đã rất nhiều năm và cũng không biết bao giờ mới hồi cố thổ. Và cái tập quán ăn ở trên biển Hồ ấy có từ xa xưa. Người ta ở trên biển Hồ lấy nước hồ ăn uống. Nghe nói trong nhóm cư dân của biển Hồ có rất nhiều kẻ “du thủ du thực” vì trốn chạy pháp luật mà ra đây ở. Cư dân của biển Hồ sống bằng rất nhiều nghề. Những cái nhà bè to là nơi đón khách du lịch dừng chân để ngắm cảnh. Ở đó người ta bày bán rượu bia, nước giải khát hoặc hàng lưu niệm. Tại đây hễ du khách uống hai chai bia Angkor thì được chủ nhà hàng tặng cho một đĩa tôm luộc. |