Ảnh vệ tinh chụp tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 1-10 cho thấy Triều Tiên gần đây gia tăng hoạt động tại đây, hãng tin Reuters (Mỹ) ngày 7-10 dẫn thông tin từ trang 38 North của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn do ĐH Johns Hopkins (Mỹ) điều hành.
Các hoạt động mới xuất hiện tại cả ba đường hầm phức hợp ở bãi thử Punggye-ri, ngoài ra có sự xuất hiện của một xe tải lớn cùng một nhóm người Triều Tiên.
Bãi thử Punggye-ri là nơi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần 5 hôm 9-9.
“Động thái này có thể nhằm thu thập dữ liệu về vụ thử hạt nhân hôm 9-9. Tuy nhiên, các mục đích khác không thể loại trừ chẳng hạn đóng kín cửa hầm hoặc chuẩn bị cho một vụ thử mới” - theo 38 North.
Hình ảnh vệ tinh chụp lại khu vực cổng bắc của khu thử nghiệm Punggye-ri gần đây. Ảnh: 38 North
Tại lối vào của cổng bắc, xuất hiện một xe tải lớn. Một mái che lớn ở khu vực bãi đậu đã hiện diện trong gần hai tháng qua. Không có dấu hiệu nào cho thấy việc đào hầm nhưng dường như có sự xuất hiện của các thùng hoặc nguyên vật liệu quanh tòa nhà chính ở bãi thử.
Ngoài ra, hoạt động cũng gia tăng gần cổng phía nam của bãi thử, nơi hoạt động đào hầm đã ngưng vào năm 2012. Tại đây có sự xuất hiện của hai xe tải nhỏ và một nhóm người Triều Tiên được cho là đang làm việc hoặc bảo trì các hoạt động liên quan tới hạt nhân.
Theo Reuters, Triều Tiên có thể đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa vào bất cứ thời điểm nào. Hiện có một số dự đoán khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa để đánh dấu lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10-10 tới.
Ảnh chụp tại khu vực cổng nam của bãi thử nghiệm. Ảnh: 38 North
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joong-hee cho biết không có các dấu hiệu đặc biệt cho thấy kế hoạch thử hạt nhân lần 6 trùng với lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10-10).
Đề cập đến thông tin Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 6 vào ngày 10-10 tới, Nhật Bản nói rằng khả năng Triều Tiên có các “hành động khiêu khích” hơn nữa là không thể loại trừ.
“Chính phủ Nhật đang đưa ra tất cả biện pháp khả thi trong việc thu thập thông tin, cảnh giác, giám sát để có thể phản ứng trước bất kỳ tình huống nào” - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trả lời trong một cuộc họp báo.
Hai vụ thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng là vụ thử vào tháng 1-2016 (lần 4) và vụ thử hôm 9-9 vừa qua (lần 5). Mỹ và Hàn Quốc hiện đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nặng hơn nhằm vào Triều Tiên bằng việc lấp đầy những lỗ hổng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về trừng phạt Triều Tiên vào tháng 3 năm nay.