Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 22-8 cho biết, theo tính toán từ dữ liệu hải quan Trung Quốc, lệnh cấm của Trung Quốc áp vào các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên như sắt, than đá và hải sản sẽ làm khốn đốn nền kinh tế của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn nghi ngại liệu động thái này có thật sự làm tiêu tan tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
Bình Nhưỡng hồi năm ngoái đã xuất khẩu gần 1,5 tỉ USD than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản sang Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và đây đồng thời là nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào cho Triều Tiên.
Trung Quốc gia hạn lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên tới năm sau. Ảnh: SCMP
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, than đá đem về doanh thu nhiều nhất cho Bình Nhưỡng. Năm 2016, xuất khẩu than đá thu về cho Triều Tiên 1,2 tỉ USD, vượt xa so với doanh thu từ quặng sắt và quặng đá lần lượt là 74,5 triệu USD và 192,4 triệu USD.
Lệnh cấm mới đây nhất mà Bắc Kinh thông báo hồi tuần trước đã gia hạn lệnh cấm hiện tại vào nhập khẩu than đá từ Triều Tiên tới năm sau. Biện pháp trừng phạt này không giới hạn và sẽ duy trì nếu Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân.
Theo một báo cáo của hãng tin Reuters hồi năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã phân tích rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngốn tổng cộng khoảng từ 1,1 tỉ USD tới 3,2 tỉ USD, cho dù trước đó các chuyên gia nói rằng không thể đưa ra con số tính toán chính xác bởi tính bí mật của chương trình vũ khí này.
Chính phủ Mỹ tin rằng ông Kim đang sở hữu tới 60 vũ khí hạt nhân, còn các chuyên gia độc lập lại nói rằng con số này nhỏ hơn. Nếu quả thực Bình Nhưỡng có 60 vũ khí hạt nhân, thì chi phí mỗi đầu đạn hạt nhân dao động từ 18 triệu USD tới 53 triệu USD, CNBC đưa tin hồi đầu năm.
Bắc Kinh áp lệnh cấm mới nhất vào mặt hàng xuất khẩu của Bình Nhưỡng sau khi Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua gói trừng phạt nghiêm khắc vào Triều Tiên hôm 6-8. Các chuyên gia cho biết lệnh cấm có thể làm tổn hại khả năng kiếm tiền của Bình Nhưỡng. Số tiền này vốn được dùng để “nuôi” chương trình quân sự và các gia đình tinh hoa của đất nước Triều Tiên.
Triều Tiên trong tháng bảy đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ảnh: AP
“Lệnh cấm có thể làm tổn hại khả năng kiếm thêm tiền của Bình Nhưỡng vì các loại hàng hóa phi chiến lược như hải sản đang bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc” - Cai Jian, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại ĐH Fudan, Trung Quốc nói.
Sun Xingjie, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên làm việc tại ĐH Jilin, nhận định lệnh cấm của Trung Quốc đưa ra trong lúc này có thể khiến ông Kim Jong-un bị áp lực.
Dù vậy, Justin Hastings, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại ĐH Sydney, lại bày tỏ hoài nghi việc Trung Quốc có thể thực thi lệnh cấm này một cách cứng rắn như thế trong thời gian dài hay không.
“Triều Tiên có lẽ sẽ khốn đốn với lệnh cấm này của Trung Quốc trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nếu Bắc Kinh không thay đổi cách tiếp cận với Bình Nhưỡng, Triều Tiên sẽ có khả năng thích nghi ở một mức độ nhất định” – Ông Hastings nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, hai chuyên gia Cai và Sun đều nghi ngờ biện pháp này của Trung Quốc không thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Cai nói: “Theo nhìn nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các lợi ích quốc gia cốt lõi chính là an ninh quốc gia và sự ổn định của chính quyền. Ông Kim sẽ không bao giờ thỏa hiệp cho dù các thế lực bên ngoài có gây tổn hại cho ngành xuất khẩu của Bình Nhưỡng nhiều như thế nào đi nữa”.
Còn chuyên gia Sun cho hay lệnh cấm mới nhất này “có thể sẽ khiến ông Kim nhận thấy mối đe dọa từ cộng đồng quốc tế, vì thế càng thúc ông đẩy nhanh tiến độ chương trình hạt nhân – biện pháp duy nhất để ông đảm bảo sự sống còn của chính phủ Triều Tiên”.