Trịnh Linh Giang – Góc khuất của tay vợt số 2 Việt Nam!

(PLO)- Vì sao Trịnh Linh Giang rất xuất sắc khi loại hạt giống số 2 người Thái Lan Kasidit Samrej ở tứ kết, rồi vượt qua hạt giống số 3 người Lào sinh ra ở Pháp Mick Lescure Sadettan ở bán kết, nhưng lại thua nhanh đương kim vô địch Lý Hoàng Nam ở trận chung kết SEA Games 31?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một nỗi băn khoăn khác của người yêu quân vợt là tại sao Giang chỉ tham gia thi đấu nội dung đơn tại giải M15 Tây Ninh – Hải Đăng Cup tuần thứ 1, còn hai giải sau, Giang chỉ đánh đôi dù anh là tay vợt số 2 của Việt Nam?

Chỉ ăn một bát cháo trắng trong 24 giờ

Sau khi loại Kasidit Samrej ở sân chơi SEA Games 31, Trịnh Linh Giang có hai ngày nghỉ. Tuy nhiên, một ngày sau, chính xác là 18 giờ Giang bị trúng thực. Nôn tháo, đi ngoài liên tục, đêm không ngủ được và 7 giờ sáng hôm sau, Giang đứng dậy không nổi vì đêm trước cứ cách một tiếng đồng hồ, Giang phải vật vã vào phòng vệ sinh.

Cũng đêm trước, bác sĩ của Ban tổ chức SEA Games sau khi chẩn đoán đã không đồng ý truyền nước biển cho Giang vì anh chưa mất đủ nước để cho truyền. Thay vào đó, bác sĩ cho Giang uống nước điện giải để bù mất nước.

Linh Giang vượt qua tay vợt người Lào trong cơn đau vật vã.

Linh Giang vượt qua tay vợt người Lào trong cơn đau vật vã.

Từ 18 giờ đêm trước đến 11 giờ hôm sau, Giang chỉ ăn được 2 lần, mỗi lần là nửa bát cháo trắng. “7 giờ đứng dậy còn không nổi, thậm chí ngã lên cả mặt bàn, vậy điều gì giúp Giang có thể ra sân chuẩn bị cho trận bán kết từ 11 giờ rồi buổi chiều thi đấu thăng hoa trước Sadettan?” - chúng tôi hỏi.

“Khi đó, tôi tự nhủ thời cơ đến rồi, phải cố gắng thôi. Được thi đấu trên sân nhà và cơ hội này sẽ không bao giờ đến với tôi lần thứ hai” - Giang trả lời – “Điều khiến tôi cảm động và là động lực giúp tôi có thêm sức mạnh là nhờ sự tận tâm, thương yêu của chú Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Hải Đăng Group.

Chú Giang không chỉ là chủ, là cha mà còn là người thầy, người bạn. Chú từng nói rằng: “Chú có thể khổ, nhưng chú sẽ không để các vận động viên Hải Đăng Group khổ”. Tôi và chú Giang ít nói chuyện với nhau, nhưng tôi hiểu và cảm nhận là chú luôn quan tâm đến tôi”.

Tay vợt số 2 Việt Nam mạnh mẽ chiến thắng đồng nghiệp người Thái...

Tay vợt số 2 Việt Nam mạnh mẽ chiến thắng đồng nghiệp người Thái...

... và chia sẻ niềm hạnh phúc trong vòng tay mẹ.

... và chia sẻ niềm hạnh phúc trong vòng tay mẹ.

Giang kể tiếp: “Trước trận đấu với Sadettan, trong phòng thay đồ, chú Giang không nhắc đến thắng, thua. Thay vào đó chú chỉ động viên, chú dặn dò cách thở, cố gắng giữ và phân phối sức lực hợp lý. Chú nhiều việc thế mà chú vẫn thu xếp thời gian ra Bắc Ninh cổ vũ. Mỗi lần thắng điểm, tôi ngước nhìn về phía khán đài tôi thương chú Giang lắm! Chú đứng suốt và đó là lý do vì sao sau trận đấu, khi đến bên chú chia sẻ niềm vui, tôi đã khóc.

Đến trận chung kết, tôi thua nhanh Hoàng Nam vì tôi kiệt sức. Hơn nữa chiếc huy chương vàng đơn nam SEA Games đã chắc chắn thuộc về Việt Nam và tôi với Hoàng Nam là đồng đội ở Hải Đăng Group, nên tâm lý tôi rất thoải mái và không cần phải ráng sức mà thật ra còn sức đâu mà ráng (Giang cười)”.

Không muốn mất thời gian, công sức và tiền đầu tư của chú Giang

Dù là tay vợt số 2 Việt Nam, nhưng Trịnh Linh Giang không còn tập trung luyện tập. Thậm chí đã có lúc những người thân thấy Giang bớt thời gian tập luyện quần vợt để thử khoác áo tập thi đấu cho đội bóng đá hạng nhất Tây Ninh.

Giang từng ao ước trở thành tay vợt số 1 Việt Nam nhưng giấc mơ chưa thành.

Giang từng ao ước trở thành tay vợt số 1 Việt Nam nhưng giấc mơ chưa thành.

Ngay như trước SEA Games 31, do thất vọng khi kế hoạch tập huấn ở Tây Ban Nha của đội tuyển Việt Nam đổ vỡ, Giang vẫn ở lại Hà Nội, không quay về Tây Ninh tập luyện. Kết quả Giang đã thua tay vợt 18 tuổi Trương Vĩnh Hiển ở Giải Master 500-1 năm 2022 chỉ hai tuần trước ngày khai mạc SEA Games.

Tại ba giải M15 Tây Ninh – Hải Đăng Cup vừa qua, đã có hai giải Giang không thi đấu nội dung đơn và nhường suất thi đấu vòng chính thức của mình cho các tay vợt khác. Giải thích về hiện tượng này, Giang cho biết anh không muốn mất thời gian, công sức cũng như tiền bạc đầu tư của chú Trường Giang nữa.

Khi học hết cấp III, Giang vừa đi học vừa tập quần vợt ở Hà Nội đã quyết định theo con đường quần vợt chuyên nghiệp vì tự tin mình sẽ sớm trở thành tay vợt số 1 và có thể vươn lên đẳng cấp quốc tế.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Linh Giang biết ơn chỗ dựa tinh thần từ chú Trường Giang.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Linh Giang biết ơn chỗ dựa tinh thần từ chú Trường Giang.

Nhìn lại quyết định này, Giang bỗng so sánh giữa Hoàng Nam với mình. Giang nói Hoàng Nam sớm xác định theo quần vợt chuyên nghiệp từ năm 9-10 tuổi, còn Giang là vào năm 17 tuổi. Do đó Nam đã quen với nhịp độ tập luyện, thi đấu liên tục từ tuần này qua tuần khác. Ngược lại, Giang chỉ tập trung được tối đa 3 tuần.

Không ai biết rõ mình hơn bản thân mình, nên Giang hiểu rằng bỏ ngần ấy công sức, công lao cộng với tiền tài trợ để đổi lấy thứ hạng Top 1.000 ATP rồi lên từng Top 900, 800… theo Giang, anh không muốn phí phạm thời gian nữa.

Giang cũng tâm sự chú Trường Giang thường dạy Giang là quần vợt cũng giống như cuộc đời, muốn thành công là phải đam mê, tập trung làm đến nới đến chốn thì mới hy vọng làm tốt, làm có kết quả. Thế rồi chú Giang nói Linh Giang làm gì cũng không tập trung thì làm sao thành công.

Gắn bó với quần vợt muộn màng, Linh Giang vẫn sớm giành những thành tích chói sáng.

Gắn bó với quần vợt muộn màng, Linh Giang vẫn sớm giành những thành tích chói sáng.

Trường đời hơn trường học

Linh Giang không buồn, trái lại càng thương, càng quý trọng chú Trường Giang khi nhận xét mình như thế. Bởi với Linh Giang, anh đã dành hết tuổi thơ, tuổi trẻ cho quần vợt, và bây giờ Linh Giang phải biết anh đang ở đâu, và biết là phải có điểm dừng.

Chính vì vậy Linh Giang đã nói với chú Trường Giang là vẫn dành nhiều thời gian tập quần vợt để giữ vị trí tay vợt số 2 Việt Nam, nhưng Linh Giang sẽ sắp xếp thời gian học Đại học. Và hiện nay Linh Giang đang học đào tạo từ xa Đại học Kinh tế quốc dân khóa Quản trị kinh doanh.

Năm nay đã 25 tuổi, hỏi Giang có tiếc khi quyết định chọn quần vợt trong nhiều năm qua? Giang chậm rãi trả lời, 22 tuổi tốt nghiệp Đại học, ra trường thu nhập bao nhiêu? Liệu có kiếm được công việc cùng nơi chốn làm việc như mong muốn?

Ông bầu Trường Giang và hai tay vợt cưng Lý Hoàng Nam - Trịnh Linh Giang.

Ông bầu Trường Giang và hai tay vợt cưng Lý Hoàng Nam - Trịnh Linh Giang.

4 năm ngồi giảng đường Đại học sẽ không như quần vợt đã giúp Giang gặp và học được rất nhiều người, thành công có, tốt có, xấu cũng có. Những năm tháng theo đuổi quần vợt đã cho Linh Giang những bài học rất đời, rất thực tế và thật may mắn khi Giang luôn may mắn khi chung quanh mình thường là người giỏi, người tốt.

Linh Giang tâm sự: “Tôi sẽ luôn nhớ lời dạy của chú Trường Giang - quần vợt giống cuộc đời, tôi đã không thành công vì làm gì cũng không tập trung, và bài học này là hành trang cho tôi bước sang một trang mới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm