Những kẻ trộm bắn, bắt chó thường sử dụng xe máy phân khối lớn và thủ sẵn súng bắn điện, bình xịt hơi cay, ớt bột để chống trả người truy đuổi.
Truy bắt trộm chó như phim hành động
Nhiều người ở khu vực vùng ven bức xúc với tình trạng trộm bắt chó, tấn công chủ nên tự lập các nhóm, hội để chủ động phát hiện kẻ bắt trộm chó.
Anh Nguyễn Thanh D (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), là một trong những người trong nhóm này, cho hay: Trộm chó thường đi từ hai đến bốn người, sử dụng xe Exciter độ chế vì dễ tăng tốc, bám đường tốt khi chạy nhanh.
“Họ sẵn sàng chống trả bằng hơi cay, ớt bột và thậm chí là cả súng điện tự chế nên rất nguy hiểm cho người dân khi tìm cách bắt hay truy đuổi” - anh D nói.
Anh D kể: Sáng 27-11, anh chạy xe trên đường số 5, khi đến gần đoạn giao nhau với đường số 4, Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân thì phát hiện hai thanh niên chạy xe máy có dấu hiệu khả nghi.
Hai người này chạy một quãng thì dùng súng điện bắn chết một con chó. Thấy vậy, anh lao xe tới, đạp vào xe của thanh niên cầm lái, đồng thời hô lớn: “Trộm chó, trộm chó!”. Nam thanh niên đang bê xác con chó đã vứt lại, leo lên xe cùng đồng phạm tẩu thoát.
Sáng 27-11, hai thanh niên trộm chó đoạn gần giao nhau giữa đường số 4 với đường số 5, KCN Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
(Ảnh cắt từ camera)
Anh D cùng một số người đã truy đuổi qua nhiều tuyến đường từ KCN Vĩnh Lộc sang KCN Tân Bình, ra quốc lộ 1 rồi hướng về đường Tô Ký (quận 12, TP.HCM).
Tuy nhiên, khi đến đường Tô Ký, hai thanh niên trộm chó rẽ vào một con hẻm rồi mất hút. “Chúng tôi đuổi theo nhưng biết phía trong có nhiều hẻm và là khu vực, địa bàn của những người này nên vào trong rất nguy hiểm” - anh D cho biết.
Theo đó, trong quá trình bị truy đuổi, nam thanh niên ngồi sau lấy trong người ra một chĩa điện, lắp vào súng tự chế, sẵn sàng bắn vào người truy đuổi.
Nhận diện những kẻ trộm chó
Anh D cho biết trộm chó thường đi “ăn hàng” lúc rạng sáng, chiều tối và chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi. Họ có thể bất chấp tính mạng, chạy xe ngược chiều, vào làn ô tô hay vượt đèn đỏ nên người dân rất khó đeo bám.
Những kẻ trộm chó thường đi hai người trên một xe phân khối lớn. Người ngồi sau thường mang theo ba lô để đựng các dụng cụ như súng điện tự chế, bình xịt hơi cay, ớt bột…
Anh D kể: Rạng sáng 10-11,
anh cùng một số người chạy xe trên đường Hương Lộ 2 hướng về đường Mã Lò (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) thì phát hiện hai nam thanh niên đi xe máy chở một bao tải giống hệt những kẻ trộm chó nên đeo bám. “Biết có người theo dõi, họ tăng tốc chạy tốc độ cao, dùng ớt bột, hơi cay, chĩa điện tấn công lại chúng tôi” - anh D nói.
Nhóm anh D truy đuổi từ quận Bình Tân sang quận Tân Bình và khi về địa bàn huyện Hóc Môn thì mất dấu vì những người cầm lái bị dính ớt bột, hơi cay của kẻ trộm.
Theo anh D, hai kẻ này chạy xe trùng biển số, giống vóc dáng trong một vụ trộm chó ở huyện Bình Chánh vào khoảng tháng 7-2021 bị camera an ninh của người dân ghi lại.
Bị truy đuổi, kẻ trộm chó lăm lăm chích điện bắn trả người truy đuổi.
(Ảnh cắt từ camera)
Trộm chó bắn người, xịt hơi cay
Trước đó, 3 giờ 30 sáng 12-1, anh H (30 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) nghe tiếng xe máy và chó sủa trước nhà nên ra xem.
“Tôi ra thì thấy có hai thanh niên đi trên một xe máy, một người lăm lăm nỏ bắn chích điện tự chế” - anh H nói.
Thanh niên thấy người dân thì giương nỏ rồi ném một vật gì đó khiến vật này phát nổ và phát ra ánh sáng. Anh H liền đó lấy tuýp sắt trong nhà ra để chống trả thì bị tấn công.
“Họ tiếp tục ném vật gì đó gây nổ và phát sáng, xịt hơi cay, bắn chĩa điện trúng người tôi” - anh H cho hay.
Bị đâm trúng, anh H cố gắng giật đứt dây điện, hô hoán, hai thanh niên bỏ đi kèm lời cảnh báo rằng “sẽ quay lại”.
Nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Mũi chĩa sau đó đã được các bác sĩ lấy ra.
Một cán bộ Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết sau thời gian giãn cách xã hội, trộm chó hoành hành vì “đói”.
“Họ thiếu tiền chi xài nên nảy sinh ý định trộm cắp lấy tiền. Bên cạnh đó, những người thường làm “nghề” này cũng quay lại hoạt động vì các điểm chốt cách ly, phong tỏa đã được dỡ bỏ” - người này cho biết.
Cũng theo vị này, trộm chó thường rất manh động, chuẩn bị sẵn các hung khí như súng chích điện, bình xịt hơi cay, ớt bột… rất dễ chế tạo hoặc đặt mua trên mạng.
Trong khi đó, thời gian gần đây các quận, huyện vùng ven mặc dù xảy ra các vụ bắt trộm chó, tuy nhiên việc xử lý hình sự được các đối tượng thì hầu như chưa có nhiều. “Do thực tế định giá tài sản của hành vi trộm chó rất thấp nên khó xử lý hình sự, chỉ có thể xử hành chính. Những kẻ trộm chó đã biết điều này nên không sợ, trong khi một con chó có thể bán với giá cả triệu đồng...” - người này tiếp.
Cần nâng khung hình phạt Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học Trường ĐH KHXH&NV ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết việc trộm chó tái xuất hiện với tần suất nhiều trong thời gian qua là do dịch đã làm biến đổi xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều người dân. Trong đó các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, lừa đảo, cướp giật sẽ hoạt động mạnh hơn... Riêng với hành vi trộm chó, nếu xét về mặt hàng hóa thì giá trị thành tiền cao dẫn đến chế tài không đủ sức răn đe, những người trộm chó không sợ. Chính vì vậy nên xảy ra hệ quả đáng lo khác là người dân “tự xử” những kẻ trộm chó, đốt xe... phải đối mặt với tù tội. Theo tôi nghĩ, cơ quan chức năng cũng nên trao đổi, bàn luận để xem xét nâng mức phạt, hình phạt với hành vi trộm chó và rà soát, kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh, buôn bán thịt chó. |