Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng: Năm 2005, cơn bão tiêu cực đã làm cho nhiều trọng tài nghỉ việc, tôi còn nhớ anh Mùi (Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi) nói cho tôi 3-5 năm nữa thì tôi sẽ tạo ra một thế hệ trọng tài giỏi… Nhưng sau đó thì tôi thấy lời nói không đi đôi với việc làm. Và đến bây giờ thì tôi thấy công tác trọng tài chẳng có gì thay đổi rõ ràng.
Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng nêu những vấn đề gai góc.
Trọng tài được trang bị đầy đủ nhưng khi thực hiện thì chúng ta đi ngược lại, trọng tài không có định hướng, mà khi như thế thì người ta chạy theo cái gì?
Trước đây khi tôi làm ở giải quốc gia, một lãnh đạo trọng tài ở Hà Nội nói: “Đi làm trọng tài phải cân nhắc, làm đúng là coi chừng chết đấy em ạ”. Tôi thấy trọng tài phải im lặng, phục tùng, còn nếu anh nêu chính kiến, góp ý… vì cái đúng thì anh phải ra đi.
Sau này tôi cho rằng chính trọng tài là tội đồ, anh làm sai anh làm thay đổi một trận đấu rồi anh được bảo vệ. Trọng tài có rất nhiều trò, tôi muốn báo chí hỏi tôi mọi ngóc ngách ngón nghề của trọng tài tôi sẽ nói hết.
HLV Lê Thụy Hải trò chuyện với báo chí giờ giải lao.
Ông Phạm Ngọc Viễn (Trưởng ban Phát triển chiến lược bóng đá Việt Nam): Để thực thi các chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam thì có rất nhiều khó khăn, các mục tiêu đã đề ra chúng ta chưa đạt được. Tổ chức hội thảo lần này là rất cần thiết để sắp tới đây Đại hội VFF là thời cơ tốt để chúng ta nhìn nhận lại những gì đã làm được và chưa làm được.
Các anh Vũ Mạnh Hải, Lê Thụy Hải, Dương Mạnh Hùng… đều có những tham luận tốt để qua đó VFF hoàn thiện lại. Các phòng, ban VFF còn thiếu những người chuyên môn tham vấn. Vậy muốn đạt được những điều đó thì cơ quan đầu não bóng đá phải có những con người có chuyên môn cao và sâu theo tiêu chí của FIFA và những người giỏi điều hành trong bóng đá.
Các diễn giả tham dự hội thảo.
Việc thực thi các chiến lược thì đâu phải nhiệm vụ của riêng Liên đoàn mà là điều đó đến từ nhiều phía. Thực sự hiện nay bóng đá của ta là bán chuyên nghiệp về đào tạo, quy mô, quản trị, nhân sự, pháp lý, tài chính… Hiện nay chỉ có năm CLB đủ các tiêu chuẩn, yếu tố để tham dự các giải đấu AFC.
Nền bóng đá chuyên nghiệp phải hội đủ ba yếu tố cấu thành là giải bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ chuyên nghiệp, HLV hành nghề chuyên nghiệp…
Sự ra đời của công ty bóng đá chuyên nghiệp rồi các công ty cổ phần chỉ đáp ứng ở Việt Nam mà thôi, chứ nó không phải như những công ty của các nền bóng đá khác…
Các CLB là hạt nhân của nền bóng đá chuyên nghiệp nhưng Việt Nam thì nó còn rất manh mún, nó không thực sự gắn liền với địa phương. CLB phải gắn chặt với địa phương đó.
Các HLV đào tạo trẻ tại các trung tâm đào tạo thì hầu hết chưa được đào tạo nghề HLV trẻ… Các chuyên gia nước ngoài vào làm thì mỗi chuyên gia cũng theo một kiểu. Tôi đồng ý với các anh rằng hiện nay nên tận dụng chất xám của giám đốc kỹ thuật…