Hôm 17-7, trùm ma túy Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman đã bị kết án tù chung thân, cộng thêm 30 năm tù vì tàng trữ vũ khí trái phép và bị buộc phải nộp phạt 12,6 tỉ USD, đài CNN đưa tin.
Xuất hiện tại tòa trong bộ đồ màu xám và cà vạt tối màu, Guzman nói trong khoảng 10 phút, trước khi bản án được tuyên.
"Chẳng có công lý nào ở đây. Vậy tại sao chúng ta phải xét xử làm gì? Sao không tuyên án tôi ngay từ ngày đầu tiên? Vì bồi thẩm đoàn là không cần thiết" - trùm ma túy khét tiếng phát biểu, cáo buộc các thành viên bồi thẩm đoàn đã có định kiến từ trước với ông.
Guzman cũng chỉ trích điều kiện giam giữ tại nhà tù ở New York, mô tả rằng đó là "một sự hành hạ về thể chất, tình cảm và tinh thần".
"Đó là sự tra tấn, với những tình huống vô nhân đạo nhất mà tôi từng phải trãi qua trong suốt cả cuộc đời mình. Đó là sự tra tấn về thể xác, cảm xúc và tinh thần." - Guzman tiếp.
Bản án chung thân dành cho Guzman, 62 tuổi được đưa ra sau khi ông ta bị kết án vào tháng 2 với tất cả 10 tội danh, trong đó có tội buôn bán ma túy và rửa tiền. Các công tố viên đã gọi ông là "thủ lĩnh tàn nhẫn và khát máu" của băng đảng Sinaloa.
Các công tố viên tuyên bố Guzman sẽ phải thực hiện bản án của mình đằng sau "hàng tấn thép", mô tả nhà tù ADX hay còn được gọi là Supermax có an ninh nghiêm ngặt nhất của Mỹ ở Florence, bang Colorado.
Bố già khét tiếng với hai lần siêu vượt ngục
Xuất thân từ gia đình nghèo khó ở La Tuna, Mexico. Guzman nhanh chóng bị đẩy đưa vào con đường tội phạm. Đến năm 1970, Guzman đầu quân cho băng buôn lậu ma túy do Hector Luis Palma Salazar cầm đầu.
Năm 1989, Guzman cùng Hector Luis Palma Salazar thành lập băng buôn lậu Sinaloa. Sau khi nắm quyền lãnh đạo, ông trùm nhanh chóng mở rộng các hoạt động buôn lậu ma túy ra khắp khu vực.
Trùm ma túy-bố già “El Chapo” Guzman bị bắt hồi tháng 1-2016. Ảnh: AFP
Guzman bị bắt lần đầu vào tháng 6-1993 tại Guatemala. Sau khi cảnh sát dẫn độ gã về nước, tòa án liên bang Mexico tuyên án gã 20 năm tù về tội giết người và buôn lậu ma túy, đồng thời tống giam gã ở nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất ở bang Jaliso. Trong thời gian thụ án, Guzman vẫn điều hành mạng lưới buôn lậu nhờ mua chuộc nhân viên trại giam.
Tháng 1-2001, gã trốn khỏi tù trên chiếc xe giặt ủi với sự giúp sức của nhân viên an ninh. Sau khi đào tẩu, Guzman thiết lập một hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt nhiều lớp giúp hắn lẩn trốn cảnh sát cũng như sự truy sát của băng đảng.
Tháng 2-2014, sau 13 năm lẩn trốn, trùm ma túy bị bắt lần nữa tại một khách sạn ở bãi biển Mazatlan, bang Sinaloa, Mexico. Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) yêu cầu dẫn độ Guzman về Mỹ để xét xử. Tuy nhiên, tháng 3-2014, tổng chưởng lý tòa án liên bang Mexico từ chối đề nghị của Mỹ. Đại diện tòa án Mexico lập luận: Guzman phải chịu sự trừng phạt của pháp luật trong nước về các tội danh của gã. Theo Tổng chưởng lý Jesus Murillo Karam, cộng các tội danh gã trùm phải chịu mức án từ 300 đến 400 năm tù.
Trong lúc Mexico và Mỹ chưa thống nhất được việc dẫn độ Guzman thì ngày 11-7-2015, ông trùm một lần nữa biến mất khỏi phòng giam nhờ vào hệ thống đường hầm bên dưới nhà tù ở Altiplano. Được biết đường hầm này sâu 10 m, dài 1,5 km, được đào thông từ phòng giam “El Chapo” đến một căn nhà đang xây ở bên ngoài nhà tù với trang bị điện thông gió, thang dây và cả xe máy để phục vụ quá trình vượt ngục của tên trùm. Theo CNN, lúc này chính quyền Mexico đã treo thưởng 60 triệu peso (3,8 triệu USD) cho người cung cấp thông tin bắt giữ “El Chapo”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm lẩn trốn, "El Chapo" cuối cùng đã sa lưới vào ngày 8-1-2016 sau một cuộc đấu súng tại nhà của tay trùm này ở TP Culiacan, thuộc bang Sinaloa của Mexico.
Phiên tòa xử El Chapo kéo dài 11 tuần với lời khai từ hơn 50 nhân chứng, tiết lộ nhiều thông tin không thể chối cãi về hoạt động của băng Sinaloa, đế chế ma tuý mà Guzman từng kiểm soát.
Những tay chân cũ của Guzman, gồm một vệ sĩ, một số thân tín và một người tình của ông ta đã khai trước toà về quy mô đế chế ma tuý khét tiếng như một tập đoàn quốc tế lớn.
Guzman đã tạo dựng tên tuổi bằng cách sử dụng hệ thống đường hầm xuyên biên giới vô cùng tinh vi để buôn lậu ma tuý sang Mỹ một cách nhanh chóng, mã hoá liên lạc thông qua máy chủ ở Canada và sử dụng một đội xe hùng hậu.
Trùm Joaquin Guzman trong lần đầu tiên bị bắt vào năm 1993 (bên trái) và hình ảnh khi bị dẫn độ đến New York vào năm 2017. Ảnh: AP.
Đế chế ma tuý của Guzman có đất sống là nhờ tình trạng tham nhũng ở Mexico. Các khoản hối lộ đã được chi cho những quan chức cao cấp Mexico, trong đó riêng cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto được cho là đã nhận 100 triệu USD. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của ông Nieto đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Ước tính số tiền mà Guzman kiếm được từ buôn bán ma túy đã đưa anh ta vào danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2009 do Tạp chí Forbes bình chọn. Tài sản của trùm ma túy này lúc đó ước tính khoảng 1 tỉ USD, dù con số này thực ra vẫn còn quá ít so với số tài sản thật sự mà Guzman có được nhờ làm ăn phi pháp.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào năm 2017, họ đã tìm cách tịch thu hơn 14 tỉ USD tiền bán ma túy và lợi nhuận bất hợp pháp từ Guzman.
"Con đường dài dẫn "El Chapo" Guzman từ vùng núi Sinaloa đến tòa án đã được lát bằng cái chết, ma túy và sự hủy diệt, nhưng nó đã kết thúc ngày hôm nay nhờ công lý" - Trợ lý Tổng chưởng lý Brian A. Benczkowski nói hôm 17-7.
Hiện vẫn chưa rõ Trùm El chapo có kháng cáo hay không.
Những nụ hôn trước tòa của Guzman
Vợ của Guzman, Emma Coronel Aispuro, 29 tuổi đã có mặt tại tòa vào sáng 17-7. Cũng giống như trong phiên xử hồi tháng 2, Guzman phát hiện ra Coronel, gửi đến cô một nụ hôn gió, hai lần đặt tay lên trái tim mình khi hướng về phía cô. Đáp lại tình yêu của chồng, vợ trùm ma túy cũng gửi lại anh một nụ hôn gió tình tứ cuối cùng.
Được biết, người thân của Guzman bị cấm vào tù thăm hắn ta trong đó có vợ và hai cô con gái sinh đôi 8 tuổi của hắn. Họ thậm chí không được gọi điện thoại.
"Siêu nhà tù" chưa ai từng vượt ngục thành công
Sau quãng thời gian biệt giam suốt 2,5 năm, Guzman dự kiến sẽ phải tới thụ án trong nhà tù liên bang bảo mật nhất nước Mỹ ở Florence, Colorado - "siêu nhà tù" an ninh tối đa.
"Guzman sẽ tới Supermax ở Colorado, tôi chắc là như vậy", luật sư Jeffrey Lichtman nói với CNN, "Chưa có ai từng trốn thoát. Hoàn toàn là bất khả thi".
Kể từ lần thứ ba bị bắt giữ năm 2016 - thời điểm Guzman bị dẫn độ tới Mỹ, ông đã nằm trong vòng canh giữ cẩn mật. Guzman bị đưa tới New York để xét xử. An ninh xung quanh các phiên tòa xử Guzman chặt chẽ tới mức tuần nào cầu Brooklyn cũng bị phong tỏa để cảnh sát bố trí đoàn xe cùng trực thăng áp tải Guzman từ trại giam tới tòa.
Nhà tù Supermax ở Colorado được biết là "siêu nhà tù" với an ninh tối đa. Ảnh: GETTY
Kể từ khi bị kết án, nhóm pháp lý của Guzman đã đệ đơn yêu cầu các điều kiện nhà tù tốt hơn tại MCC, nơi hắn ta bị biệt giam 23 giờ/ngày trong phòng giam chật hẹp. Guzman cũng yêu cầu có được hai giờ tập thể dục ngoài trời. Các luật sư của anh ta nói rằng kể từ khi Guzman được đưa đến Mỹ, anh ta đã trải qua hai năm không được tiếp cận với không khí trong lành hay ánh sáng tự nhiên. Thêm vào đó, ông ta phải ngủ với ánh sáng trong phòng giam, điều kiện mà các luật sư nói là "sẹo tâm lý".
Tuy nhiên, các yêu cầu của Guzman đều bị từ chối. Các công tố viên cho biết nơi duy nhất để tập thể dục ngoài trời là trên tầng thượng của nhà tù MCC, được bao quanh bởi các tòa nhà cao tầng ở phía dưới Manhattan và được bao phủ bằng lưới thép bảo vệ. Họ nêu lên mối lo ngại về kế hoạch đào tẩu lần 3 của trùm ma túy khét tiếng.