Trung Đông: Kẻ cười, người khóc vì xung đột Ukraine

(PLO)- Cuộc xung đột ở Ukraine đã có tác động lớn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông. Trong khi một số quốc gia thu được nhiều lợi ích kinh tế, một số khác lại lâm vào tình trạng khủng hoảng khiến người dân ngày càng khổ sở hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh hưởng của cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II không chỉ giới hạn ở châu lục này, mà nó đã có tác động sâu rộng ở cả khu vực Trung Đông, theo kênh CNN.

Vốn là một khu vực đầy biến động với hàng loạt vấn đề đang tồn tại, Trung Đông cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu lương thực và lạm phát do hậu quả các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

CNN đã thống kê bốn tác động mà xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng Trung Đông trong sáu tháng qua.

Các nhà xuất khẩu năng lượng đang bội thu

Chiến sự đã khiến giá dầu tăng lên tới mức cao nhất trong 14 năm. Điều này đã khiến lạm phát tăng vọt và thu hẹp nền kinh tế trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia vùng Vịnh giàu năng lượng, đây lại là tin tốt, sau khi khu vực này phải trải qua cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 8 năm do giá dầu thấp và đại dịch COVID-19 gây ra.

IMF dự đoán các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung Đông sẽ có thêm 1,3 nghìn tỉ USD doanh thu từ dầu trong 4 năm tới. Ảnh: REUTERS

IMF dự đoán các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung Đông sẽ có thêm 1,3 nghìn tỉ USD doanh thu từ dầu trong 4 năm tới. Ảnh: REUTERS

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung Đông sẽ có thêm 1,3 nghìn tỉ USD doanh thu từ dầu trong 4 năm tới, theo tờ Financial Times.

Số tiền tăng thêm có nghĩa là các quốc gia vùng Vịnh sẽ có thặng dư ngân sách lần đầu tiên kể từ năm 2014. Tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo sẽ tăng tốc đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Saudi Arabia đã tăng trưởng 9,9%, mức cao nhất trong một thập niên qua. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ thu hẹp 1,5%.

Xung đột Nga-Ukraine cũng mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất khí đốt trong khu vực. Trong nhiều thập niên, châu Âu chọn nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống thay vì vận chuyển từ các quốc gia xa xôi bằng đường biển.

Tuy nhiên, sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm vận khí đốt của Nga, họ đang tìm kiếm bên bán tiềm năng mới. Qatar đã cam kết bán một nửa tổng công suất khí đốt của mình cho châu Âu trong thời gian 4 năm.

EU cũng đã ký các thỏa thuận khí đốt với Ai Cập và Israel, cả hai đều là những trung tâm khí đốt tự nhiên đầy tham vọng trong khu vực.

Vị thế của Trung Đông dần thay đổi

Theo CNN, phương Tây đang dần đổi thái độ với các cường quốc khu vực Trung Đông.

Dù từng cam kết sẽ cô lập Saudi Arabia trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm nước này trong một chuyến đi mang tính bước ngoặt vào tháng trước, với hy vọng Saudi Arabia sẽ sản xuất nhiều dầu hơn và chế ngự lạm phát toàn cầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11.

Tuy nhiên, chuyến đi của ông Biden được xem là đã thất bại khi Saudi Arabia chỉ tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Chiến sự ở Ukraine cũng giúp nâng vị thế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, như một nhân vật không thể thiếu trong trật tự quốc tế.

Trước một nền kinh tế đang bị nhấn chìm và các cuộc bầu cử vào năm tới, ông Erdogan đã khéo léo sử dụng vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ để lên tiếng về những vấn đề lớn, bao gồm việc các nước Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Erdogan cũng đã duy trì mối quan hệ thân tình với Nga trong khi công khai phản đối chiến sự, bán máy bay không người lái cho Ukraine và làm trung gian hòa giải xung đột.

Các liên minh đang thay đổi

Khi các tuyến đường thương mại thay đổi, các liên minh cũng vậy.

Theo ông Anwar Gargash - Cố vấn của Tổng thống Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), xung đột đã chứng minh trật tự quốc tế đơn cực do Mỹ đứng đầu đang lung lay.

Theo ông, vị thế của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu cũng đang suy yếu và UAE đang đánh giá lại các liên minh của mình.

Khi quan hệ với phương Tây được đánh giá lại, quan hệ với Trung Quốc dường như ngày càng phát triển. UAE tháng trước đã gọi chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan là "hành động khiêu khích", nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này đối với chính sách "một Trung Quốc".

Saudi Arabia cũng xem Trung Quốc là giải pháp thay thế Mỹ, đẩy mạnh hợp tác quân sự với Bắc Kinh và cân nhắc bán dầu cho nước này bằng đồng nhân dân tệ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người chưa có bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi COVID-19 bùng phát, dự kiến có chuyến đi mang tính bước ngoặt tới vương quốc này trong năm nay.

Khủng hoảng lương thực và lạm phát làm gia tăng căng thẳng

Phần lớn thế giới đang chịu tác động cuộc khủng hoảng lương thực, nhưng Trung Đông là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khoảng một phần ba lượng lúa mì trên thế giới đến từ Nga và Ukraine. Một số quốc gia Trung Đông đã phụ thuộc vào hai quốc gia này, với hơn một nửa lượng lúa mì được nhập từ Nga và Ukraine.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm: Libya bị chiến tranh tàn phá và nền kinh tế Lebanon bị tàn phá nặng nề từ việc gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc, và Ai Cập - một trong những nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Lạm phát tăng vọt cũng đã tác động xấu đến một số nền kinh tế Trung Đông. Giá hàng hóa tăng ở Iraq và Iran đã khiến nhiều người xuống đường biểu tình. Ở Ai Cập, các hộ gia đình thuộc mọi mức thu nhập đang chứng kiến "túi tiền" của họ vơi đi nhanh chóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm