Suốt đoạn đường dài hơn 10 km là cảnh người dân từ già trẻ, lớn bé, gái trai tranh thủ trời nắng đổ từng bao ruốc tươi ra phơi, vài tiếng sau thì thu gom lại bỏ vào bao tải chở về.
Ruốc tươi được đổ ra phơi ngay trên đường. Ảnh: TK
Bà Mai Thị Gái (63 tuổi, ngụ ấp Hồ Tràm) cho biết năm nay ngư dân làm nghề đăng đáy ở địa phương đánh bắt được mùa ruốc.
“Mới ra Tết ngư dân ở Hồ Tràm đi đánh bắt đã trúng mùa ruốc. Ruốc nhiều mà năm nay lại trúng con ruốc to hơn nên mới tranh thủ mang phơi chứ không bán tươi vì con ruốc nhỏ như mọi năm. Giá bán ruốc tươi khoảng 5.000 đồng/kg. Nhưng nếu chịu khó phơi khô thì bán lại cho điểm thu mua tại Phước Tỉnh được giá 50.000 đồng/kg (giá những ngày đầu là 80.000 đồng/kg). Khoảng một tuần nay, nhà nào đánh bắt được nhiều và có nhân lực tranh thủ mang ra đường phơi. Có nhà mỗi ngày phơi vài tấn, thu về mấy tạ ruốc khô, cũng kiếm được đôi ba chục triệu, có nhà dưới 10 triệu đồng. Nhà tôi ruốc đánh bắt không đủ số lượng, con gái tôi mua thêm ở ngoài về phơi”.
Theo bà Gái, ở Hồ Tràm không có cửa biển như khu vực xã Bình Châu hay Lộc An, Phước Tỉnh nên ngư dân chỉ có thể đánh bắt ở gần bờ. Phải rất lâu rồi ngư dân khu vực biển Hồ Tràm mới lại trúng mùa ruốc như vậy. Những năm trước con ruốc nhỏ và chỉ vài ngày là hết nên ngư dân phải đánh bắt thêm ốc hương, ghẹ, cá…
Việc phơi ruốc cũng khá vất vả. Khi khi đêm người dân vẫn phơi để kịp sáng nắng khô, phơi mẻ khác. Có nhà phải phơi hơn 1 km mới hết số ruốc của nhà mình. Khoảng 6, 7 giờ sáng ngư dân đi đánh bắt về bờ, việc mua bán ruốc diễn ra rất tấp nập trước khi được đổ ra đường để tiếp tục phơi. Khi về tới các cơ sở chế biến họ sẽ sàng, rửa lại.
Qua quan sát của chúng tôi, người dân phơi ruốc ở phần làn đường dành cho người đi bộ, xe máy. Tuy nhiên. do tuyến đường ven biển rộng, lượng xe không nhiều nên vẫn đảm bảo có phần đường cho việc lưu thông.