Trung Quốc bị ngờ vực ở Campuchia

Điểm lại quá trình lịch sử, quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Campuchia bắt đầu từ năm 1958. Vào thời chiến tranh lạnh, Quốc vương Norodom Sihanouk đã thực hiện chính sách ngoại giao không liên kết nhưng phương Tây luôn ngờ vực về quan hệ gần gũi giữa quốc vương với người Trung Quốc.

Trong giai đoạn 1975-1978, Trung Quốc dung túng cho chế độ Khmer Đỏ khét tiếng tàn ác gây ra cái chết của 1,7 triệu người. Hiệp định hòa bình Paris được ký kết ngày 23-10-1991 đã kết thúc nội chiến Campuchia nhưng quan hệ Trung Quốc-Campuchia chưa thể khôi phục lại hoàn toàn, kể cả khi đảng bảo hoàng Funcinpec thân Trung Quốc giành thắng lợi trong bầu cử năm 1993.

Quan hệ Trung Quốc-Campuchia chỉ bắt đầu khôi phục sau năm 1997. Khi đảng Nhân dân Campuchia đánh bại đảng bảo hoàng Funcinpec, Trung Quốc nhận ra cần xem xét lại chiến lược trong quá khứ, tiến tới ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia nếu muốn khôi phục quan hệ.

Kết quả là Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong các nhà tài trợ quan trọng nhất của Campuchia. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Trung Quốc còn giúp Campuchia tăng cường quân đội. Ví dụ năm 2010, Trung Quốc đã cung cấp 257 xe tải quân sự, 50.000 bộ quân phục, 1.000 súng ngắn và 50.000 viên đạn. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 8-2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cam kết sẽ ủng hộ Campuchia ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài.

Đổi lại, Campuchia đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách “một Trung Quốc”.

Dù vậy, chuyên gia Phoak Kung nhận định quan hệ Trung Quốc-Campuchia vẫn trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Các nước phương Tây khi viện trợ cho Campuchia thường tập trung giúp đỡ người nghèo và người dễ bị tổn thương. Ngược lại, Trung Quốc không chú trọng các chương trình xã hội như y tế, vệ sinh, giáo dục để cải thiện cuộc sống người dân Campuchia, đặc biệt là tầng lớp nông dân.

Hầu hết tiền viện trợ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào năng lượng. Thoạt nhìn thì mô hình này tỏ ra hiệu quả nhưng nếu Campuchia muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình thì cần thiết phải phát triển các ngành công nghiệp và sản xuất khác.

Phương Tây chỉ trích Trung Quốc viện trợ cho các nước đang phát triển mà không quan tâm các nước nhận tiền sử dụng thế nào. Hậu quả là các dự án xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Campuchia đều có chất lượng hết sức nghèo nàn, từ đó nguồn tài trợ Trung Quốc trở nên không đáng tin cậy.

DUY KHANG

(*) Chuyên gia Phoak Kung, thành viên cao cấp của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, đồng sáng lập nhóm nghiên cứu chiến lược Campuchia ở ĐH Mengly J. Quach (Campuchia).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.