Người dân không theo kịp đà tăng trưởng nóng về kinh tế, thay đổi của xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhịp sống căng thẳng, cô đơn,… là những nguyên nhân khiến lượng người tâm thần ngày càng nhiều. Trong khi đó ngành y tế không đủ năng lực chữa trị.
Tình trạng người tâm thần tấn công người vô tội ở Trung Quốc đã và đang diễn ra thường xuyên. Hiện tượng này bùng phát mạnh kể từ đầu năm 2010, hầu hết thủ phạm là nam giới.
Lượng người điên cao thứ hai thế giới
Mới nhất, ngày 29-7, tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một người tâm thần đã dùng dao đâm chết ba người và đâm bị thương năm người đi đường. Ngày 26-7, một viện dưỡng lão ở tỉnh Hắc Long Giang bị đốt, 11 người chết trong đó có thủ phạm. Ngày trước đó, tại tỉnh Hà Nam, một người tâm thần đã dùng dao đâm chết năm người và đâm bị thương ba người. Ngày 17-7, tại thủ đô Bắc Kinh, một người tâm thần dùng dao phát chém chết hai phụ nữ bên ngoài một khu mua sắm, một trong hai là người Mỹ. Ngày 21-5, ở tỉnh Quảng Đông, một người tâm thần dùng dao phay chém sáu học sinh tiểu học và một người lớn bị thương nặng. Ngày 14-12-2012, một người tâm thần đột nhập vào một trường tiểu học ở tỉnh Hà Nam và dùng dao đâm bị thương 22 học sinh.
Số vụ tấn công trường học đặc biệt chiếm một phần lớn. 2010 là năm xảy ra nhiều vụ người tâm thần tấn công trường học với bảy vụ (trong đó có ba vụ trong ba ngày liên tiếp 28, 29 và 30-4) đã làm 27 người (25 học sinh) thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.
Khảo sát của tạp chí y khoa The Lancet (Anh) năm 2010 cho thấy số người bị tâm thần nước này đã tăng hơn 50% trong khoảng 2003-2008.
Tân Hoa xã dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Trung Quốc năm 2009, Trung Quốc có hơn 100 triệu người tâm thần, trong đó 16 triệu người bị tâm thần thể nặng, tương đương 17,5% dân số, một trong những mức cao nhất thế giới, chỉ đứng sau Mỹ (26,4% - số liệu khảo sát từ Cơ quan Sức khỏe tâm thần thế giới thuộc Tổ chức Y tế Thế giới).
Bệnh nhân tâm thần điều trị tập trung tại một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES
Hậu quả của cải cách, mở cửa
Theo Tân Hoa xã, nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân khiến người tâm thần ở Trung Quốc ngày càng nhiều vì nhiều người quá tải vì phải chịu đựng cường độ cuộc sống căng thẳng mà không nhận được trợ giúp một cách kịp thời.
Các hung thủ tâm thần có thể là nạn nhân của sự căng thẳng khi không thể thích ứng với đà thay đổi xã hội quá nhanh của Trung Quốc trong 10 năm cải cách và mở cửa qua. 10 năm qua, ngày càng nhiều dân nông thôn đổ về thành thị làm việc theo đà tăng trưởng kinh tế. Hầu hết trong số họ không được đảm bảo an sinh xã hội. Cuộc khủng hoảng 2007-2010 đã khiến một lượng lớn dân nhập cư rơi vào cảnh thất nghiệp dẫn đến bất ổn tâm thần và hành động thiếu kiểm soát.
Trong bài phát biểu hồi tháng 5-2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng thừa nhận hiện tượng người tâm thần tấn công có liên quan đến các căng thẳng xã hội của Trung Quốc hiện tại.
Báo China Daily (Trung Quốc) và Tân Hoa xã dẫn ý kiến một số nhà xã hội học nhận định hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc có vấn đề, chính phủ Trung Quốc đã thiếu quan tâm trong việc chẩn đoán, hỗ trợ, chữa trị bệnh nhân tâm thần.
Yếu vì thiếu đủ thứ
Tân Hoa xã dẫn khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Trung Quốc, nếu không chữa trị đến nơi đến chốn, 20% trong số 16 triệu người tâm thần thể nặng sẽ có khuynh hướng tấn công người khác hoặc tự làm hại mình.
Thực tế 70% trong 16 triệu người đó chưa bao giờ được chữa trị tập trung tại các bệnh viện, theo ông Tôn Kiến, giám đốc một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Sơn Đông. Nói đâu xa, tỉnh Sơn Đông có tới khoảng một triệu người bị tâm thần thể nặng mà chỉ chưa đầy 2.000 người được chữa trị tập trung. Cả nước hiện chỉ có 19.000 bệnh nhân tâm thần được chữa trị tại 532 bệnh viện.
Một lý do chính dẫn đến thực tế này là thiếu nguồn lực về y tế, trong đó thiếu trầm trọng bác sĩ tâm thần. Tân Hoa xã dẫn lời một bác sĩ tâm thần Trung Quốc cho biết ngày càng có ít sinh viên ngành y chọn học khoa tâm thần vì cho rằng công việc khi ra trường buồn chán, nhiều rủi ro mà thu nhập quá thấp. Mặt khác, theo sinh viên Đới Vân, khoa Chỉnh hình, ĐH Y khoa Nam Kinh (từng học khoa tâm thần), bác sĩ tâm thần không được coi trọng và đánh giá cao như các bác sĩ chuyên ngành khác.
Hiện Trung Quốc chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ tâm thần, tương đương 1,5 bác sĩ chăm lo cho 100.000 người dân - chỉ bằng 1/10 so với tỉ lệ ở Mỹ - mà hầu hết năng lực hạn chế. Hơn thế nữa, số bác sĩ này lại phân bổ không đồng đều, chẳng hạn ở khu tự trị Tây Tạng năm 2010 có thời điểm không có bác sĩ tâm thần nào. Bộ Y tế Trung Quốc năm 2010 cũng thừa nhận thiếu trầm trọng bác sĩ tâm thần.
Cạnh đó, Trung Quốc thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng để tập trung người tâm thần vào chữa trị. Chẳng hạn theo Trưởng phòng Phòng chống và chữa trị thuộc Trung tâm Sức khỏe tâm thần tỉnh Sơn Đông Vương Yên Hồ, toàn bộ 144 bệnh viện trong tỉnh Sơn Đông đều kiêm cả chữa trị người tâm thần với người bình thường nhưng vẫn không đáp ứng hết số người tâm thần trong tỉnh. Thậm chí các bệnh viện tại Bắc Kinh gộp lại chỉ có 6.000 giường cho bệnh nhân tâm thần trong khi nơi này có tới 150.000 người bị bệnh. Những nơi xa xôi như khu tự trị Tây Tạng không có bệnh viện tâm thần.
Một lý do nữa ngăn cản người tâm thần nhận được điều trị thích đáng là chi phí quá cao. Tân Hoa xã dẫn một khảo sát quốc gia cho thấy 57% người tâm thần sống trong mức nghèo khổ và gia đình không có khả năng thanh toán viện phí.
Tháng 4-2010 ở tỉnh Quảng Tây, một người đàn ông tâm thần đã mang dao phay lao ra đường cắt cổ một học sinh, chém chết hai người lớn và làm bị thương hai học sinh khác. Đáng nói là ông này ba ngày trước đã dùng rìu chém vào đầu một người hàng xóm nhưng vẫn được tự do. Bác sĩ nói ông này bị chứng tâm thần phân liệt đã năm năm nhưng chỉ điều trị trong một tháng vì không có tiền.
Năm 2009, cũng vì không có tiền điều trị mà một gia đình ở tỉnh Quảng Đông đã mang người thân bị tâm thần (đã có tiền sử giết, phân thây hai người) đến bỏ rơi ở tỉnh Hải Nam để rồi sau đó ông này lại giết và phân thây một bé gái sáu tuổi.
Chính phủ cần chi tiền
Báo China Daily ngày 24-7 cho rằng chính phủ và chính quyền các địa phương phải cấp thiết có hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn các thảm họa người tâm thần tấn công người vô tội.
Theo ông Lô Xuân Hoa, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe tâm thần tỉnh Sơn Đông, chính phủ cần choàng phần chi phí chữa trị bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện cho các bệnh nhân, cũng như hỗ trợ chi phí cho các bệnh nhân tâm thần nhẹ chữa trị tại nhà.
Bước đầu, theo Tân Hoa xã, hiện Sở Y tế Bắc Kinh đã bắt đầu nghiên cứu hỗ trợ chi phí điều trị bệnh nhân tâm thần, dự kiến sẽ xúc tiến vào cuối năm nay. Trước đó, năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 40 triệu nhân dân tệ (6 triệu USD) cho hai năm thực hiện dự án nghiên cứu phòng chống trầm cảm dẫn đến tự sát, nhận diện dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần, đối phó căng thẳng nghề nghiệp.
Trước mắt, đối phó với bạo lực tâm thần, tháng 5 vừa rồi, Trung Quốc đã áp dụng luật về sức khỏe tâm thần, yêu cầu người giám hộ và các cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm về người tâm thần trong địa phương họ quản lý.
Hiện Trung Quốc cũng đang báo động về sức khỏe tâm thần học sinh, sinh viên. Giữa tháng 4, một sinh viên ĐH Phục Đán đã đầu độc chết một bạn cùng phòng. Cạnh tranh trong học hành được cho là nguyên nhân. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cả hai đã phấn đấu có được một suất trong chương trình đào tạo tiến sĩ của trường. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tâm lý thanh niên Trung Quốc cho thấy có đến 7/10 học sinh trung học có bất ổn về tâm lý. Một nghiên cứu khác của Hiệp hội Sức khỏe tâm thần ĐH Trung Quốc cho thấy đến một nửa số sinh viên nước này có vấn đề trong tâm lý. Theo các chuyên gia tâm lý Trung Quốc, chính sách một con và hệ thống giáo dục cứng nhắc của Trung Quốc là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Chính sách một con đã tạo ra một thế hệ trẻ thiếu nhường nhịn và ích kỷ, hệ thống giáo dục quá đặt nặng chuyện điểm số hiện tại của Trung Quốc gia tăng thêm áp lực, khiến học sinh dễ có khuynh hướng loại trừ mình hay loại trừ bạn cùng lớp nếu mình đua tranh học hành không bằng người bạn đó. |
HỒNG CẨM