Đài Loan vừa có bước đi ngoại giao không thành, sau sự can thiệp của Trung Quốc (TQ).
Ngày 4-2, Guyana bất ngờ hủy thỏa thuận cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở nước này, vài giờ sau khi TQ lên tiếng yêu cầu nước này “sửa chữa sai lầm”, theo báo Guardian. Ngày 5-2, Đài Loan chỉ trích TQ đã “bắt nạt” để buộc Guyana đảo ngược thỏa thuận.
Danh sách các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan co cụm dần những năm gần đây vì sự can thiệp của TQ. Hiện Đài Loan có quan hệ ngoại giao chính thức với 14 nước, đa số là các nước đang phát triển ở châu Mỹ và Thái Bình Dương. Năm 2018, CH Dominican cắt quan hệ với Đài Loan - một bước đi mà Đài Bắc cho là do chủ trương “ngoại giao đôla” của TQ.
Bà Joanne Ou, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan, cầm bản đồ Guyana tại cuộc họp báo thường kỳ ở Đài Bắc ngày 4-2. Ảnh: AP
Dù thế, bên cạnh thực tế này còn có một thực tế khác: Sự ủng hộ với Đài Loan ở quốc tế và khu vực ngày càng tăng. Theo trang tinThe Diplomat, thực tế này có liên quan đến việc TQ không ngừng tăng áp lực lên Đài Loan và các nước. Ngoài nước sát cánh Đài Loan rõ ràng nhất là Mỹ, thời gian qua nhiều nước ở châu Á, đặc biệt các nước đã trải qua kinh nghiệm bị TQ hành xử không công bằng, cũng gia tăng ủng hộ Đài Loan.
Theo The Diplomat, dù vẫn phát triển quan hệ với TQ nhưng Indonesia thời gian qua đã có nhiều động thái tiến gần hơn với Đài Loan. Những năm qua, hai bên đã phát triển quan hệ không chỉ về chính trị và kinh tế mà cả ở giáo dục, văn hóa, du lịch. Sự ủng hộ của Ấn Độ với Đài Loan phần lớn là hệ quả từ cuộc đối đầu Ấn - Trung ở biên giới, theo The Diplomat. Có thông tin chính phủ Ấn Độ tính đối thoại tự do thương mại với Đài Loan.