Ngày 3-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không chỉ muốn Ukraine mà cả Trung Quốc cùng điều tra cha con ông Joe Biden - ứng viên Dân chủ cạnh tranh với ông Trump trong cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020.
Báo The Wall Street Journal và nhiều cơ quan truyền thông khác ngày 20-9 đưa tin trong một cuộc điện đàm ngày 25-7, ông Trump đã tám lần yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra ông Biden và con trai ông Biden. Nội dung điều tra là thời còn làm phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã đe dọa ngưng hỗ trợ Ukraine chừng nào Ukraine điều tra chuyện ông Hunter Biden làm việc cho một công ty khí đốt ở Ukraine.
Theo ông Trump ngày 3-10, “Trung Quốc cũng nên điều tra nhà ông Biden, vì những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng tệ như những gì đã xảy ra ở Ukraine”.
Năm 2013 ông Biden, lúc còn là phó tổng thống Mỹ, từng cho con trai Hunter tháp tùng lên chiếc máy bay Không lực Hai chuyên dành cho phó tổng thống sang Trung Quốc, nơi ông Hunter Biden có một số hoạt động kinh doanh. Ông Biden hứng chỉ trích vì chuyện này.
Từ trái qua: Ông Joe Biden lúc còn là phó tổng thống Mỹ cùng với cháu gái Finnegan Biden và con trai Hunter Biden rời khỏi chiếc Không lực Hai tại sân bay Bắc Kinh vào tháng 12-2013. Ảnh: AP
Trong cuốn sách Secret Empires viết năm 2018, nhà báo điều tra, tác gia, nhà tham vấn chính trị Peter Schweizer viết rằng 10 ngày sau khi cha con Biden đến Trung Quốc, "công ty của Hunter đã ký được hợp đồng trị giá 1,5 tỉ USD với một công ty con của ngân hàng chính phủ Trung Quốc". Ông Hunter Biden luôn khẳng định mình không làm gì sai.
Hôm 24-9, ông Trump từng lên tiếng: "Trong khi con trai ông Biden rời Trung Quốc với 1,5 tỉ USD trong quỹ thì các quỹ lớn nhất trên thế giới không thể rút tiền ra khỏi Trung Quốc. Anh ta đã có cuộc họp chóng vánh ở đó và bay trên chiếc Không lực Hai. Tôi nghĩ rằng đó là một điều kinh khủng".
Trung Quốc sẽ làm gì?
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc khả năng lớn đã biết rõ mọi hoạt động của ông Hunter Biden liên quan đến Trung Quốc, vì nước này có hệ thống giám sát tốt. Trung Quốc giám sát chặt hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ mình, kể cả các cuộc gặp, liên lạc giữa người nước ngoài với công dân nước mình.
Vậy liệu Trung Quốc có làm theo đề nghị của ông Trump? Theo nhiều chuyên gia Trung Quốc, khả năng lớn là không.
Nếu Trung Quốc làm theo đề nghị bất ngờ của ông Trump thì sẽ là một sự phá vỡ nguyên tắc quốc gia: không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng chẳng được lợi gì nhiều nếu giúp ông Trump hủy hoại một đối thủ chính trị - ông Biden, dù Trung Quốc có mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc thương chiến với Mỹ đến thế nào.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ, ứng viên tổng thống Mỹ 2020 Joe Biden (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC NEWS
Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố mình có chính sách công khai là không can thiệp chuyện chính trị nước ngoài. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nhắc lại điều này tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).
“Trung Quốc sẽ không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ và chúng tôi tin người Mỹ đủ khả năng giải quyết các vấn đề của mình” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương Nghị.
Ông Jeffrey Bader, cựu trợ lý đặc biệt về an ninh quốc gia và cố vấn hàng đầu về châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng cho rằng “Trung Quốc không muốn dính líu hay bị cho là dính líu vào bầu cử tổng thống Mỹ”.
Biden và thương chiến
Ông Trump đưa ra đề nghị điều tra cha con ông Biden với Trung Quốc trong lúc cuộc thương chiến hai nước đang hết sức căng thẳng. Các quan chức hai bên sẽ gặp nhau tại Mỹ vào tuần tới thương lượng về một lệnh đình chiến trong cuộc thương chiến đã không những khiến hai bên bị đánh thuế hàng trăm tỉ USD hàng nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa.
Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng đề nghị của ông Trump là một công thức tồi cho chính sách thương mại. Một nguồn tin Mỹ liên quan cuộc đàm phán thương mại hai bên cho rằng phát ngôn của ông Trump có thể được hiểu là nỗ lực để nối giữa đàm phán thương mại và chính trị nội bộ.
“Trộn lẫn chính trị nội bộ của chính mình với các lo ngại chính đáng về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc không phải là một con đường tốt để có được một thỏa thuận có lợi” - nguồn tin này nói.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Phái đoàn quan chức hai nước sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Mỹ để đàm phán thương mại. Ảnh: AFP
Theo chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, “phía Trung Quốc có thể muốn giúp ông Trump và có được một thỏa thuận thương mại tốt hơn nhưng tôi nghi ngờ liệu họ có can thiệp quá trực tiếp vào chính trị Mỹ như thế này hay không”.
Trong khi đó, chuyên gia Victor Shih, Chủ tịch trung tâm Quan hệ Trung Quốc và Thái Bình Dương tại ĐH California San Diego (Mỹ) nhận định phía Trung Quốc có thể sẽ chọn giữ kín các thông tin thiên về tiêu cực về các đối thủ của ông Trump “để không làm tăng cơ hội tái đắc cử của ông Trump”. Vì theo ông Shih, “sau tất cả thì ông Trump đã làm đảo lộn thương mại Mỹ-Trung hơn bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào, kể từ ông Nixon”.
Một cựu quan chức Mỹ cho rằng nếu ông Trump nghiêm túc trong việc nhờ Trung Quốc giúp điều tra ông Biden thì ít nhất ông Trump nên đưa ra một cam kết nào đó Trung Quốc đang rất mong chờ. Đó có thể là sẽ hợp tác mạnh hơn trong việc dẫn độ hàng chục nhân vật lưu vong mà Trung Quốc đang lùng bắt trong chiến dịch chống khủng bố của mình. Mỹ lâu nay không ủng hộ dẫn độ các nhân vật lưu vong này - chủ yếu bị cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng, tham ô - cho Trung Quốc với lý do không tin tưởng tính công bằng của các cáo buộc này cũng như của hệ thống tư pháp của Trung Quốc.