Theo hãng tin Sputnik, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã đề xuất một bộ các biện pháp an ninh mạng mà nếu được ký thành luật sẽ yêu cầu các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc "đánh giá rủi ro an ninh quốc gia" khi mua các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Ảnh: SPUTNIK
Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc được cho là đã công bố dự thảo luật trực tuyến để thu thập ý kiến cho đến ngày 24-6.
Các biện pháp dường như không chỉ rõ các rủi ro bảo mật tiềm ẩn, thay vào đó đề cập đến các điều khoản "rò rỉ, mất và chuyển dữ liệu quan trọng xuyên biên giới" và "mối đe dọa bảo mật chuỗi cung ứng".
Ông Nick Marro, nhà phân tích của Bộ phận Tình báo Kinh tế Mỹ cho biết, một đạo luật như vậy sẽ giúp Bắc Kinh ngăn chặn công nghệ không mong muốn của Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa vào danh sách đen nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc như Huawei Technologies và 68 chi nhánh của công ty, điều đó có nghĩa là giờ đây Mỹ không thể mua các bộ phận và linh kiện từ các đối tác mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Động thái này được theo sau bởi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, bao gồm Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cắt đứt quan hệ với Huawei.
Việc Google bị thu hồi giấy phép Android của Huawei đã gây ra những lo ngại đặc biệt về tương lai của các thiết bị di động của công ty Trung Quốc chạy trên Android.
Một số nguồn tin cho hay Huawei đang phát triển hệ điều hành thay thế của riêng mình. "Hệ điều hành Huawei" dự kiến sẽ sớm ra mắt vào mùa xuân tới.
Trong khi đó, các nhà quản lý Huawei cho biết những động thái gần đây của Washington sẽ ít gây thiệt hại cho tập đoàn của họ nhưng sẽ gây hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp ở châu Âu.
Chính quyền Trump đã tìm cách bóp nghẹt Huawei với những cáo buộc rằng họ có thể là gián điệp của chính phủ Trung Quốc, dù công ty này thẳng thừng phủ nhận.
Ảnh biếm họa. Nguồn: INTERNET
Tuy nhiên, ông Trump ám chỉ rằng Huawei, mặc dù "rất nguy hiểm", có thể được sử dụng như một con bài để thương lượng trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ rộng lớn hơn.
Hai cường quốc thế giới hiện đang đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại leo thang. Vòng đàm phán thương mại mới nhất diễn ra tại Mỹ vào 24-5 mà không có thỏa thuận, nhưng các bên đã đồng ý gặp nhau để đàm phán thêm tại Bắc Kinh.
Vào ngày 9-5, chính quyền Trump đã tăng mức thuế từ 10 đến 25% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Cuối ngày hôm đó, ông Trump đã ra lệnh tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá khoảng 300 tỷ USD.
Tất cả bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái, sau khi chính quyền Trump đánh mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, nhưng Bắc Kinh kịp thời phản ứng. Kể từ đó, các bên đã phải ngồi vào bàn đàm phán nhiều hơn về mức thuế thương mại.