Trung Quốc leo thang tranh chấp biển Đông

Từ tháng 2, nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng rìa phía tây quần đảo Trường Sa, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền, gây những đụng độ nhỏ. Đỉnh điểm là ngày 2-3, hai tàu hải quân Trung Quốc đe dọa đâm chìm tàu khảo sát dầu khí của Philippines đang hoạt động ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Manila ngay sau đó cho hai máy bay chiến đấu ra can thiệp.

Ngày 12-5, hai máy bay Mig của Trung Quốc xâm nhập không phận Bãi Cỏ Rong, uy hiếp máy bay trinh sát OV-10 của Philippines đang có mặt ở khu vực này.

Từ 21 đến 24-5, nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này, đồng thời tàu hải quân, hải giám thả phao nổi, dựng một số cột, đưa vật liệu xây dựng tới khu vực tây nam Bãi Cỏ Rong, chỉ cách đảo Palawan của Philippines 125 hải lý.

Ngày 26-5, ba tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), chỉ cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên 120 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Ngày 27-5, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin, ảnh về việc nước này sẽ đưa vào biển Đông dàn khoan dầu khổng lồ. Cùng lúc, phía Trung Quốc tuyên bố phân lô biển Đông, kêu gọi hợp tác thăm dò khai thác dầu khí.

Ngày 31-5, bốn tàu cá Việt Nam đang hoạt động ở khu vực đảo Đá Đông, Trường Sa thì bị ba tàu hải quân Trung Quốc bắn súng xuống nước uy hiếp, đe dọa.

Từ 27-5 đến 2-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục lên tiếng, trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền thô bạo của Trung Quốc.

Ngày 2-6, tổng thống Philippines tuyên bố sẽ có thư đệ trình lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước này.

Ngày 9-6, tàu cá Trung Quốc được sự hỗ trợ của hai tàu ngư chính lao vào khu vực hoạt động của tàu Viking II đang khảo sát địa chấn cho ngành dầu khí Việt Nam gây rối cáp tín hiệu. Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu cáo tàu Việt Nam đuổi theo làm tàu cá Trung Quốc vướng vào cáp khảo sát dầu khí.

Ngày 10-6, đại diện ngoại giao Bắc Kinh tại Philippines lên tiếng đòi các nước láng giềng chấm dứt thăm dò tài nguyên khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và gợi ý các nước gác lại tranh chấp, hợp tác khai thác chung với Trung Quốc.

Ngày 10-6, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiến hành tập trận hải quân tại vùng Tây Thái Bình Dương. Họ không nói rõ địa điểm sẽ hoạt động quân sự nhưng biển Đông cũng nằm ở Tây Thái Bình Dương.

N.NHÂN (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm