Thời gian qua có thông tin nhiều trường hợp du học sinh Trung Quốc (TQ) tại Mỹ bị thẩm vấn, thậm chí bị trục xuất và phía TQ liên tục phản ứng, Tân Hoa Xã đưa tin.
Cụ thể, trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas tại Vienna (Áo) cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Công an TQ Vương Hiểu Hồng kêu gọi phía Mỹ “ngưng quấy rối và thẩm vấn du học sinh TQ mà không có lý do, đảm bảo rằng công dân TQ được đối xử công bằng và có đầy đủ nhân phẩm”.
Đầu tháng 2, Tân Hoa Xã đưa tin có ít nhất 11 du học sinh TQ bị trục xuất hoặc bị hủy thị thực khi đến Mỹ, tính từ tháng 11-2023. Tám trong số 11 trường hợp đó xảy ra tại sân bay quốc tế Washington Dulles (thủ đô Washington D.C., Mỹ). Theo thông tin từ Đại sứ quán TQ ở Mỹ, một số du học sinh bị giữ lại ở sân bay hơn 10 giờ và không cho liên lạc với bất kỳ ai trong thời gian đó.
Ba tuần trước cuộc gặp giữa ông Vương và ông Mayorkas, phía TQ cũng đã chính thức phản đối Mỹ vì điều mà nước này cho rằng Mỹ đã chặn không cho sinh viên TQ nhập cảnh.
Hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao TQ cho biết có tới “hàng chục” công dân TQ bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ mỗi tháng, trong số này có các sinh viên TQ có giấy tờ hợp lệ. Theo phía TQ, phía Mỹ đã “ngược đãi, liên tục thẩm vấn, giam giữ, ép buộc nhận tội, xúi giục và thậm chí trục xuất” vì “động cơ chính trị”.
Trong cuộc gặp với ông Mayorkas, ông Vương cũng đề nghị Mỹ “dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với các tổ chức và nhân sự có liên quan của TQ”, “thực hiện các biện pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo an toàn cho các tổ chức và nhân viên ngoại giao, lãnh sự TQ tại Mỹ”.
Trong khi đó, thông cáo của Bộ An ninh nội địa Mỹ về cuộc gặp giữa ông Mayorkas và ông Vương không đề cập các phát ngôn trên của ông Vương. Cuộc gặp vốn được thiết kế tập trung vào hợp tác hai nước trong cuộc chiến truy quét fentanyl.
Fentanyl là một loại thuốc phiện tổng hợp gây nghiện cao mạnh hơn heroin 50 lần và đã giết chết khoảng 70.000 người Mỹ vào năm ngoái. Phía Mỹ cáo buộc TQ là nguồn cung cấp chính fentanyl và các chất liên quan đến fentanyl được buôn lậu vào Mỹ - một tuyên bố bị Bắc Kinh bác bỏ.