Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đã tỏ ý mong muốn hợp tác thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 chung với Nga.
Đề nghị được bác sĩ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn đưa ra trong một hội nghị chuyên đề tổ chức hôm 16-8 với các nhà khoa học Nga.
"Trung Quốc và Nga có thể học hỏi được nhiều điều từ nhau. Công nghệ và chiến lược của Nga trong việc đẩy lùi nạn dịch rất đáng để nghiên cứu. Trong khi đó, Trung Quốc lại có những phương pháp độc đáo để kiểm soát COVID-19, đặc biệt là sử dụng y học cổ truyền" - ông Chung nói.
Bác sĩ Chung không đề cập đến loại vaccine mà ông nhắm tới, hay nơi cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra. Song, ông công nhận phía Nga đã đạt được những thành công nhanh chóng trong việc phát triển biện pháp ngăn ngừa COVID-19.
Bác sĩ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn đề nghị được hợp tác thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 chung với Nga. Ảnh: SCMP
Hiện Trung Quốc có bốn trong số chín ứng viên vaccine tiềm năng đã bước vào thử nghiệm giai đoạn ba.Các ứng cử viên này hiện đang được Trung Quốc thử nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Brazil, Saudi Arabia, và Indonesia, SMCP đưa tin.
Giới chức y tế nước này cũng đã nêu điều kiện để chứng nhận vaccine. Theo đó, các liều tiêm phải có tác dụng khoảng 50%, thời gian duy trì miễn dịch ít nhất sáu tháng. Các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm cũng có thể được sử dụng trong tình thế khẩn cấp.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã cấp bằng sáng chế cho vaccine do hãng dược CanSino Biologics hợp tác với các nhà nghiên cứu trong quân đội.
Nga chứng nhận vaccine ngừa COVID-19 khi chưa thực hiện thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Ảnh: EPA-EFE
Đề nghị từ phía Trung Quốc đến không lâu sau khi Nga chứng nhận loại vaccine COVID-19 đầu tiên tên Sputnik V. Nga là quốc gia đầu tiên chứng nhận vaccine ngừa COVID-19, cho phép đưa vào sản xuất, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người quy mô nhỏ.
Bước đi của Nga bị nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế hoài nghi. Một số nhà khoa học lo ngại Moscow có thể đang đặt uy tín quốc gia lên trước sự an toàn của người dân, theo SCMP.
"Tôi rất hy vọng sẽ sớm có vaccine, thế nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào khiến chúng ta tin tưởng rằng vaccine của Nga thực sự an toàn. Tôi nghi ngờ điều đó" - Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nhận định.
Ngay cả Giáo sư Jin Dong-yan - chuyên gia virus của Đại học Hong Kong cũng cho rằng việc Trung Quốc hợp tác với Nga không phải là ý kiến hay. Ông lưu ý rằng Nga đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi chứng nhận vaccine chưa qua thử nghiệm quy mô lớn.