Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố tập trận ở biển Đông

Theo tờ The Japan Times, hai thông báo của Cục Hải sự Hải Nam tuyên bố các cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển chiến lược gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.  

Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở biển Đông vào tháng 1-2017. Ảnh: AFP

Thông báo thứ nhất cho biết cuộc tập trận ngày 6-8 được tiến hành vào 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 15 giờ đến đến 18 giờ tại khu vực được đánh dấu bằng bốn điểm tọa độ 16 độ 50,6 phút vĩ Bắc/112 độ 21 phút kinh Đông, 16 độ 59 phút vĩ Bắc/112 độ 21,4 phút kinh Đông, 16 độ 58,1 phút vĩ Bắc/112 độ 27,9 phút kinh Đông và 16 độ 52,7 vĩ Bắc/112 độ 30,8 phút kinh Đông.

Thông báo thứ hai cho biết cuộc tập trận ngày 7-8 sẽ bắt đầu từ 15 giờ đến 17 giờ tại khu vực được đánh dấu bằng bốn điểm toạ độ 16 độ 26,9 phút vĩ Bắc/112 độ 42,7 phút kinh Đông, 16 độ 26,20 phút vĩ Bắc/111 độ 50 phút kinh Đông,16 độ 20,30 phút vĩ Bắc/111 độ 44,7 phút kinh Đông và 16 độ 22,52 phút vĩ Bắc/111 độ 36,66 phút kinh Đông.

Hai thông báo trên cũng ngang nhiên cảnh báo các tàu thuyền di chuyển trên biển Đông không lại gần khu vực diễn ra tập trận. 

Thông báo về các cuộc tập trận nói trên diễn ra sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát  tàu HD-8 và các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan ngày 31-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu đích danh nhóm tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. 

Phó Thủ tướng khẳng định những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Được biết động thái của Trung Quốc diễn tra trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào vùng biển phía Đông Philippines sau khi được điều động vào ngày 5-8. Trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines, tàu có kế hoạch mở cửa đón báo giới nước này tham quan, theo đài ABS-CBN.

Trước đó, trả lời các phóng viên trong chuyến thăm Úc hôm 4-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Bắc Kinh đã thực hiện "chiến lược kinh tế săn mồi", đánh cắp tài sản trí tuệ và "sử dụng vũ khí với các nguồn tài nguyên chung toàn cầu".

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm