Người phát ngôn biện minh dù kiểm soát không lưu dưới đất đã phát cảnh báo đến các máy bay nhưng Trung Quốc vẫn tôn trọng tự do trên biển và trên không của các máy bay Mỹ.
Báo Washington Post đưa tin trước đó người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban thông báo hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam đã thực hiện công tác thường lệ trên không phận quốc tế ở khu vực lân cận quần đảo Trường Sa.
Ông cho biết không có máy bay nào vào không phận của đảo hay thực thể hàng hải nào, hai máy bay nhận được hai lời cảnh báo từ một kiểm soát viên không lưu mặt đất Trung Quốc và các chuyến bay kết thúc công tác mà không xảy ra sự cố gì. Hai máy bay đã bay trở về đảo Guam.
Cuối tháng trước, hải quân Mỹ đã đưa tàu khu trục USS Lassen vào sát đá Subi sáu hải lý. Ngày 5-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã đến thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở biển Đông (ảnh).
Reuters đưa tin người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thông báo chưa rõ vấn đề biển Đông có trong chương trình nghị sự chính thức của ba hội nghị ở châu Á Tổng thống Obama tham dự hay không (hội nghị APEC, hội nghị ASEAN và hội nghị Đông Á).
Ông nói ví von dù vậy vấn đề biển Đông sẽ ở trong tâm trí và lời nói của các nhà lãnh đạo. Ông khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do thương mại ở biển Đông… Chúng tôi sẽ khuyến khích các bên dù lớn hay nhỏ giải quyết bất đồng bằng ngoại giao và không cố sử dụng tầm vóc lớn và vũ lực để đe dọa các nước láng giềng”.
Cùng ngày 13-11, Tân Hoa xã đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục chỉ trích Nhật là bên không liên quan thì không có quyền phát biểu “vô trách nhiệm” về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Trước đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố ông nóng lòng bàn đến hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại hội nghị G20 sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
TNL