Washington đã thông báo sẽ đánh thuế 25% với danh sách hàng hóa Trung Quốc (TQ) trị giá 16 tỉ USD từ ngày 23-8. Lệnh đánh thuế thứ hai này nâng tổng sản lượng chịu thuế của TQ lên mức 50 tỉ USD. Bắc Kinh ngay lập tức phản ứng bằng việc cảnh báo đánh thuế lên lượng hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD, cao hơn lượng thuế Mỹ đưa ra.
Đánh vào thị trường năng lượng
Bắc Kinh nhắm vào các thị trường trọng yếu của Mỹ, mở đầu là mặt hàng nông nghiệp, như đậu nành - ảnh hưởng đến cử tri của ông Trump. Theo CNBC, mặt hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (gọi tắt là LNG) nhập từ Mỹ vào TQ nằm trong danh sách hàng hóa dự kiến bị Bắc Kinh đánh thuế tiếp theo. Đưa LNG vào danh sách đánh thuế được đánh giá là động thái bất ngờ, vì trước đó TQ không có ý định này.
Khí đốt tự nhiên được TQ xem xét như một nỗ lực trong việc làm giảm nạn ô nhiễm môi trường, vốn là vấn đề nhức nhối có tính nhạy cảm về mặt chính trị. Nhưng điều này đã thay đổi khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang nhanh chóng trong vài tuần qua. Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí tự nhiên, đồng thời cũng là quốc gia có tăng trưởng xuất khẩu LNG rất mạnh mẽ. Một số chuyên gia nhận định việc nhắm vào LNG có thể làm tổn thương chính sách phát triển năng lượng của Mỹ.
Năm ngoái, TQ là quốc gia thứ hai trên thế giới nhập khẩu LNG. Dự kiến nước này sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu LNG, trong đó 15% tổng sản lượng nhập khẩu đến từ Mỹ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi tháng 6 dự báo TQ dự kiến sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa lỏng. Các dự báo về nhu cầu khí đốt của TQ đang là động lực phát triển một loạt cảng xuất khẩu LNG dọc theo bờ biển phía Đông nước Mỹ, rất thuận lợi trong việc thực hiện tham vọng trở thành siêu cường năng lượng của ông Trump. “Tuy nhiên, một số dự án cảng xuất khẩu LNG này của Mỹ sẽ gặp trở ngại trong việc thu hút vốn đầu tư nếu TQ đánh thuế LNG nhập từ Mỹ” - Hugo Brennan, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, nhận định.
Mục tiêu siêu cường năng lượng của ông Trump có thể bị ảnh hưởng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ảnh: CNN
Vẫn chưa xác định thắng thua
Lệnh áp thuế của TQ lên LNG nhập từ Mỹ có thể đẩy giá thành khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Mỹ giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh nhập khẩu từ Mỹ và TQ hao tốn rất nhiều chi phí. Chính các DN TQ cũng thừa nhận khó có thể mua khí đốt từ Mỹ khi giá thành cao.
Trong bảy tháng đầu năm 2018, tổng lượng LNG Bắc Kinh nhập từ Mỹ tăng hơn 17% so với sản lượng nhập khẩu cả năm 2017. Tuy nhiên, theo Reuters, lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 7 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua. Nhưng theo một số chuyên gia, sự đụng độ Mỹ-TQ chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này, mà bản chất chính là nhu cầu của DN TQ đang hướng về một số thị trường Á và Âu có thể làm ăn lâu dài với TQ, trong đó có Úc, Qatar, hay Nga. Như vậy, lệnh đánh thuế của TQ nhắm vào LNG của Mỹ là yếu tố gia tăng động lực để DN nhập khẩu TQ thúc đẩy các giải pháp thay thế nhập khẩu LNG từ Mỹ.
Về phần Washington, trong ngắn hạn, tăng trưởng xuất khẩu khí đốt của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả khi LNG bị tấn công, Mỹ cũng không lo sợ. “Sự tăng trưởng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ là xu hướng không thể cưỡng lại được, ngay cả khi có hay không có thị trường TQ” - CNBC nhận định. Ngoài ra, hầu hết hợp đồng xuất khẩu LNG của Mỹ đến TQ hiện là các hợp đồng dài hạn, vì thế tác động từ việc TQ đánh thuế là hạn chế cho đến khi thời hạn các hợp đồng này chấm dứt.
Mặt khác, chính DN TQ trong ngắn hạn cũng bị tổn thương khi thuế nhập khẩu nhắm vào Mỹ cũng làm giảm đi cơ hội chọn lựa đối tác trên thị trường và chắc chắn các đối tác Á hay Âu cũng nắm bắt cơ hội này trong đàm phán giá cả khí đốt với TQ. Nền sản xuất TQ, nhất là hàng gia dụng và công nghiệp, trong xu thế gia tăng nhu cầu khí đốt mạnh, buộc DN TQ trong ngắn hạn phải tạm nhập khẩu LNG từ Mỹ phục vụ sản xuất trong lúc chờ đợi phương án thay thế hiệu quả và lâu dài hơn.
Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa Washington cũng có đủ thời gian để tìm kiếm thị trường thay thế TQ. Và cuộc chiến thương mại bước vào giai đoạn mới, vừa “không thể quay đầu” nhưng vẫn đang “bất phân thắng bại”.
Nếu việc đánh thuế LNG được thực thi thì đó là đòn giáng nặng nề vào ngành công nghiệp khí đốt của Mỹ, cũng như chương trình “thống trị năng lượng” của Tổng thống Trump. HUGO BRENNAN, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft |