Trung Quốc sẵn sàng mời Liên Hợp Quốc đến thị sát Tân Cương

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã bác bỏ cáo buộc về tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương và cho biết chính quyền Trung Quốc sẵn sàng chào đón Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) đến thăm nơi này.

Trung Quốc: Không có diệt chủng ở Tân Cương

Phát biểu trực tuyến trước Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của UNHRC hôm 22-2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên và nói đây là một sự vu khống, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

“Chưa từng xảy ra bất cứ hành vi nào như diệt chủng, lao động cưỡng bức và đàn áp tôn giáo ở Tân Cương. Những cáo buộc này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thành kiến và hoàn toàn vu khống” - ông Vương chỉ trích.

Tuyên bố của ông Vương được đưa ra trong lúc nhiều quốc gia phương Tây và các tổ chức quốc tế đang gia tăng áp lực lên chính quyền Bắc Kinh, cho rằng quốc gia này đã vi phạm quyền con người ở Tân Cương.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã bác bỏ cáo buộc về tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương. Ảnh: USA TODAY

Trong bài phát biểu của mình, ông Vương khẳng định chưa có một trường hợp vi phạm quyền con người nào được báo cáo ở Tân Cương trong bốn năm qua.

Ông nói thêm rằng tất cả các công nhân ở Tân Cương tham gia lực lượng lao động một cách tự nguyện và chưa bao giờ chịu bất kỳ sự áp bức nào, SCMP đưa tin.

Bộ trưởng Vương tiết lộ chính phủ Trung Quốc hiện đang ưu tiên phát triển quyền của mỗi công dân ở Tân Cương với châm ngôn “con người là trên hết” trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Một cơ sở an ninh cao được cho là trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: STRAITS TIMES

Trong khi đó, UNHRC khẳng định có ít nhất một triệu người Hồi giáo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số đang bị giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung lớn ở Tân Cương. Chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố này và nói rằng đây chỉ là những trung tâm đào tạo nghề.

Mỹ, EU không thấy thuyết phục

Trước đó, vào tháng 1, Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng và thực hiện tội ác chống lại loài người" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương khi bỏ tù, tra tấn và cưỡng bức lao động họ.

Không thừa nhận bình luận của ông Vương về việc sẵn sàng để UNHRC đến thăm Tân Cương, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell hôm 23-2 kêu gọi Trung Quốc cho phép Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet và các quan sát viên độc lập khác đến khảo sát khu vực này.

“Một phái đoàn như vậy sẽ là chìa khóa để chúng ta đánh giá độc lập, khách quan và minh bạch về những mối bận tâm của cộng đồng quốc tế” - ông Borrell nói trong bài phát biểu trước UNHRC.

Một người đàn ông đi ngang qua màn hình hiển thị hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Kashgar thuộc vùng Tân Cương. Ảnh: AFP

Theo chuyên gia William Nee - cố vấn về quyền con người của tổ chức Amnesty International, bài phát biểu của ông Vương không đủ để "dập tắt bất kỳ mối quan ngại nào của thế giới bên ngoài liên quan đến các vụ vi phạm được ghi nhận rõ ràng" ở Tân Cương.

“Ông ấy trích dẫn các số liệu thống kê dù có vẻ ấn tượng nhưng khi các nhà báo về muốn đến thu thập thông tin tại khu vực này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ và không có cách nào để thế giới bên ngoài có được thông tin đáng tin cậy về những gì đang xảy ra ở Tân Cương’ - ông Nee cho hay.

“Bộ trưởng Vương nhấn mạnh vai trò của đối thoại trao đổi quốc tế nhưng bất kỳ ai theo dõi các vấn đề quyền con người của Trung Quốc đều thấy các cuộc đối thoại này bị đình trệ, hủy bỏ hoặc hoàn toàn không đem lại bất kỳ hiệu quả nào” - ông Nee nói thêm.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Washington sẽ tiếp tục sát cánh và làm việc với các đồng minh trước tình trạng vi phạm quyền con người đang tiếp tục diễn ra ở Tân Cương, Tây Tạng và các khu vực khác của Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới