Trung Quốc sản xuất 1,6 triệu tấn thanh long/năm, thách thức lớn với thanh long Việt Nam

(PLO)- Bình Thuận đang thực hiện nhiều giải pháp để đưa cây thanh long phát triển theo hướng 'xanh', bền vững.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-1, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP tổ chức hội thảo “Từ nông trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận”.

Chia sẻ về câu chuyện phát triển thanh long của tỉnh Bình Thuận, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Thuận có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước với khoảng 27.000 ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm.

Để sản xuất được bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước thì từ năm 2009, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

thanh long...jpg
Người tiêu dùng thích thú với các sản phẩm được chế biến từ trái thanh long Bình Thuận như rượu thanh long, thanh long sấy dẻo, kem thanh long. Ảnh: AH

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh tham gia chương trình thí điểm về việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long nằm trong dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam”. Đây là chương trình do Bộ NN&PTNT phối hợp UNDP tổ chức.

Qua dự án, đã có trên 80.000 bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9w, tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng.

“Kết quả dự án từ 50 ha ban đầu có thể truy xuất nguồn gốc điện tử đã mở rộng lên 269 ha và đã được theo dõi phát thải carbon. Tính đến cuối tháng 12-2023, có khoảng 8.640 lượt ha thanh long, tương đương 23.300 tấn thanh long được theo dõi phát thải carbon.

Kết quả này đánh dấu sự thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận bền vững và có trách nhiệm. Từ đó đã giúp các HTX, doanh nghiệp có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững” - ông Dũng chia sẻ.

thanh long.jpg
Các loại bánh được làm từ trái thanh long Bình Thuận. Ảnh: AH

Bên cạnh đó, các hoạt động góp phần xanh hoá sản xuất thanh long cũng được triển khai thực hiện, như trồng cây lâm nghiệp (lấy gỗ tạo vùng đệm) hàng biên trên các trang trại sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp và khu vực tư nhân nâng cao nhận thức và thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi có liên quan, nhằm tăng cường chính sách tín dụng cho vay từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể trong nông nghiệp xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cho biết thanh long là một trong 14 loại trái cây chủ lực của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi giá trị ngành hàng thanh long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công loại quả này. Năm 2021, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm, cao hơn Việt Nam. Đây là thách thức lớn đối với thanh long Việt Nam cần có hướng đi mới.

Do vậy, để chuỗi giá trị thanh long Việt Nam phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã xác định phải tổ chức lại sản xuất của chuỗi ngành hàng thanh long, chuyển đổi chuỗi giá trị theo hướng nâng cao hiệu quả, tăng giá trị gia tăng, phát thải thấp, phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm