Mỗi ngư dân bị phạt 102.000 USD và có thể ngồi tù đến tháng 5-2015 nếu không nộp phạt. Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố các ngư dân TQ đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền lịch sử của TQ. Ngược lại, Philippines khẳng định đó là vùng biển Philippines.
Trong vụ ngư dân TQ bị bắt ở Philippines, TQ không hề phát công hàm phản đối hay đe dọa. Động thái này khác hẳn phản ứng đối với sự kiện xảy ra trong năm 2010.
Lực lượng tuần duyên của Nhật đã bắt giữ một tàu cá TQ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau đó Nhật đã đưa thuyền trưởng TQ ra xét xử. TQ đã dừng mọi trao đổi cấp cao và quyết định ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật. Cuối cùng Nhật phải trả tự do cho thuyền trưởng TQ.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Eurasia Review(Mỹ), hai chuyên gia Lim Kheng Swe và Lý Minh Giang ở ĐH Công nghệ Nam Dương (Singapore) nhận định vụ các ngư dân TQ bị bắt giữ ở Philippines đã cho thấy TQ đang giảm mức độ cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Hai chuyên gia đã đưa ra bốn lý do để giải thích:
- Trong giới lãnh đạo TQ ngầm hiểu tuyên bố chủ quyền của TQ ở biển Đông căn cứ vào đường chín đoạn vẫn còn quá mơ hồ và còn nhiều điểm yếu.
- Tranh chấp về đánh bắt cá xảy ra thường xuyên ở biển Đông nên TQ không còn phản ứng cứng rắn mỗi khi có tàu cá TQ bị bắt giữ.
- Philippines đã kiện đường chín đoạn ra Tòa án Trọng tài quốc tế. TQ lo ngại sẽ có tác động xấu cho TQ khi tòa xét xử. Mục tiêu ưu tiên của TQ là tòa gác vụ kiện lại.
- Gần đây TQ đang tìm cách củng cố quan hệ với tổ chức ASEAN sau nhiều năm quan hệ hai bên khó khăn do vấn đề tranh chấp biển Đông.
Động thái của TQ trong vụ Philippines bắt giữ chín ngư dân TQ có thể được xem là thước đo đánh giá chính sách hiện tại của TQ đối với vấn đề tranh chấp biển Đông ngoài các tuyên bố chính thức.
Hai chuyên gia Lim Kheng Swe và Lý Minh Giang kết luận TQ đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan trong cách hành xử ở biển Đông. Nếu thúc ép mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền như trước đây, TQ sẽ gây thêm căng thẳng. Bằng như không làm như vậy, TQ lại sẽ không thể hiện được thái độ kiên quyết.