Trung Quốc xây đảo nhằm kiểm soát giao thương biển Đông

Tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar hôm 12-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định tình hình biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm.

Đã có nhiều dự báo trong năm 2014 Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều động thái quan trọng trên biển Đông bởi ở thời điểm này, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ bao phủ toàn Đông Á, nhiều tàu chiến mới đóng đi vào hoạt động, tàu sân bay, các giàn khoan và tàu đặt đường ống cũng sẵn sàng hoạt động.

Chuyên gia Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) ghi nhận Công ước LHQ về Luật Biển sẽ không công nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại năm khu vực trên biển Đông bao gồm các đảo, đá và khu vực có mực thủy triều thấp nhằm mục đích cản trở Philippines kiện đường chín đoạn của Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Tòa án sẽ không thể xác định được hiện trạng gốc của chủ thể tranh chấp lãnh hải.

Trả lời đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức), ông đã đề nghị Philippines và Việt Nam nên hợp tác khảo sát biển Đông trước khi Trung Quốc hoàn tất âm mưu xây dựng đảo nhân tạo.

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển ở Đại học Philippines, nhận định thực ra công việc xây đảo của Trung Quốc không đáng ngại vì diễn ra sau khi Philippines đã trình biên bản luận chứng lên tòa án. Điều đáng ngại ở đây là Trung Quốc tăng cường thực hiện chiến lược bắp cải (sử dụng nhiều lớp tàu giống như cái bắp cải để bao vây khu vực tranh chấp).

Trang web China Daily Mail(tổng hợp thông tin từ Trung Quốc) ghi nhận Trung Quốc tin rằng hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo sẽ giúp Bắc Kinh quản lý các tuyến đường biển trên biển Đông. Trung Quốc đang quản lý hầu hết các đảo và đá ngầm trên biển Đông cách Trung Quốc khoảng 150 km thông qua vệ tinh và máy bay không người lái. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn giám sát theo cách tốt nhất là bố phòng quân đội trên đảo nhân tạo.

Các chuyên gia ghi nhận Trung Quốc đã chọn đá ngầm Gạc Ma (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một trong những nơi tốt nhất để xây dựng đảo nhân tạo. Gạc Ma nằm gần kế đá Núi Le là nơi có đường biển tấp nập và nơi diễn ra nhiều cuộc diễn tập tàu ngầm chiến lược. Đặt căn cứ tại khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng khống chế các đường giao thương huyết mạch trên biển.

Kế hoạch xây đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng không chỉ nhằm xây dựng căn cứ quân sự mà còn có cả các cơ sở như du lịch, thủy sản, ngư trường nhằm hỗ trợ hoạt động du lịch và đánh bắt hải sản. Một căn cứ quân sự có thể không có tác dụng lâu dài nhưng các cơ sở du lịch, thủy sản hay ngư trường sẽ hữu ích mãi mãi bởi Bắc Kinh sẽ thu lợi trong công tác khai thác tài nguyên.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm