Từ 'cảm hứng vành đai 3' đến dự thảo Luật Đất đai đồ sộ

(PLO)- Trong hành trình phát triển, báo Pháp Luật TP.HCM luôn đồng hành cùng “nhịp đập của trái tim thành phố”, góp ý, phản biện nhiều chính sách pháp luật quan trọng của đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2022-2023 là thời gian đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng đặc biệt của TP.HCM. Đây là khoảng thời gian TP.HCM bắt đầu gượng dậy và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau sự càn quét khủng khiếp của đại dịch COVID-19. TP phải tập trung giải quyết nhiều mặt, nhất là giải ngân đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, làm động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.

p2_17-9_PL-voi-chinh-sach_h2_binh-ngo.jpg
Người dân huyện Bình Chánh, TP.HCM đang làm thủ tục nhận tiền bồi thường đất trong dự án đường vành đai 3. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Chung niềm vui trước nhiều công trình trọng điểm

Tính đến thời điểm này (giữa quý III-2023), nhiều dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của TP.HCM đã được ghi vốn, khởi công, xây dựng với tổng số vốn lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong đó phải kể đến đường vành đai 3 đoạn TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 41.000 tỉ đồng; rạch Xuyên Tâm hơn 9.600 tỉ đồng; kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khoảng 8.200 tỉ đồng…

TP.HCM xác định lấy đường vành đai 3 làm dự án “điểm”, dự án kiểu mẫu cho các dự án khác về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Vì vậy, chỉ trong vòng hơn một năm, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, dự án có chiều dài 47 km, đi qua ba huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Giữa tháng 6-2023, dự án này đã chính thức được khởi công. Dự án kiểu mẫu này đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho hàng loạt dự án khác mà TP sắp triển khai.

Trong thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM đã luôn đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM trong công cuộc tuyên truyền chính sách pháp luật về dự án đường vành đai 3.

Trong suốt thời gian triển khai dự án, báo Pháp Luật TP.HCM đã luôn đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong công cuộc tuyên truyền chính sách pháp luật về dự án đến người dân TP, nhất là hàng ngàn hộ dân liên quan dự án này.

Lãnh đạo báo đã cử hàng loạt PV đeo bám thực tế, tình hình triển khai, “nhất cử nhất động” về dự án đều được các PV phản ánh trung thực, sinh động với hàng loạt tin, bài, clip hấp dẫn trên các nền tảng báo in, báo điện tử, Zalo, YouTube, Facebook…

Cùng với đó, những vướng mắc, khó khăn của dự án cũng được báo kịp thời phản ánh, cùng với cơ quan báo chí khác, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án này.

Dự án đường vành đai 3 đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho các dự án khác trên địa bàn TP. Trong tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2, đường vành đai 4, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, rạch Xuyên Tâm…

Ngoài ra, từ năm 2022 đến 2023, ngành giao thông TP.HCM cũng có nhiều sự kiện quan trọng như vận hành thử 20 km tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP, khởi công, khánh thành, thông xe hàng loạt cây cầu… Chuỗi sự kiện đó đã tạo nên một diện mạo mới về ngành giao thông đô thị TP.HCM trong gần hai năm qua. Trong nỗ lực của các cơ quan, ban ngành không thể thiếu sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM.

Nghị quyết 98: “chìa khóa vàng” cơ chế

Một sự kiện đặc biệt quan trọng khác của TP.HCM là vào ngày cuối cùng của tháng 8, QH đã bấm nút thông qua Nghị quyết 98/2023. Đây được coi là “chìa khóa vàng” để giải tỏa các nút thắt về mặt cơ chế, chính sách không chỉ cho hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn TP.

Trước, trong và sau khi Nghị quyết 98 được thông qua, báo Pháp Luật TP.HCM là một trong những cơ quan báo chí vào cuộc tích cực và tuyên truyền mạnh mẽ cho các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP.HCM. Khi nghị quyết thông qua, báo tiếp tục góp ý cách triển khai để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn.

Kỳ vọng vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Là tờ báo chuyên về pháp lý - chính trị, Pháp Luật TP.HCM luôn tham gia góp ý, phản biện thẳng thắn và tích cực trong công cuộc xây dựng chính sách, pháp luật của nước nhà. Đấu giá biển số xe đẹp là một trong những vấn đề mà hơn một thập niên qua báo đã đeo đuổi miệt mài.

Còn nhớ năm 2011, báo đã đăng tải loạt bài điều tra “Biển số đẹp, có tiền là có ngay!” phản ánh chuyện “cò” lộng hành, “dắt mối” để người dân có được biển số xe đẹp. Chính vì chưa có cơ chế nên nhu cầu có thật của một bộ phận người dân đã bị lợi dụng “làm tiền”, từ đó nảy sinh tiêu cực, trong khi ngân sách thì thất thu.

Thông qua đó, báo đã nhiều lần đề xuất cần phải coi biển số “đẹp” là một loại “tài sản” để thực hiện đấu giá công khai, vừa thỏa mãn nhu cầu có thật của người dân vừa mang lại nguồn thu cho Nhà nước. Và rồi Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội (QH) về thí điểm đấu giá biển số ô tô ra đời đã bước đầu giải quyết được nhu cầu thực tiễn đó. Dù đây mới là giai đoạn thí điểm nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm được, để rồi chính sách này có thể mở rộng đến việc đấu giá biển số xe máy sau này.

Đặc biệt, hơn một năm qua, cả nước tập trung vào việc góp ý sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã nói: “Đây là dự án “quan trọng bậc nhất” trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ QH khóa XV, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Pháp Luật TP.HCM đã lập chuyên mục Góp ý Luật Đất đai sửa đổi để đăng tải nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân cho dự thảo luật quan trọng này. Báo đã phản ánh, góp ý từ các vấn đề lớn như giá đất; thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đấu giá quyền sử dụng đất… cho đến các quy định chi tiết như bỏ đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình, cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai…

Ngoài những cụm bài đăng tải trên báo in, báo còn lập hẳn chuyên mục Góp ý Luật Đất đai sửa đổi trên báo điện tử (plo.vn) để chuyển tải những thông tin từ các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm… của các cơ quan, tổ chức. Với hơn 150 tin, bài góp ý, chuyên mục này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và được các cơ quan chức năng đánh giá “có chất lượng”.

Theo nghị trình, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được các đại biểu QH bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới. Chúng ta cùng kỳ vọng vào Luật Đất đai mới được thông qua sẽ khai thông những điểm nghẽn về chính sách, tiệm cận nhất với thực tiễn cuộc sống, để đất đai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng cho nước nhà.•

Những loạt điều tra phản ánh chuyện dân sinh thiết thực

Cùng với việc phân tích, phản biện, góp ý chính sách, Pháp Luật TP.HCM luôn có nhiều loạt bài điều tra, giúp cơ quan chức năng nhận dạng, chấn chỉnh nhiều vấn đề sát sườn cuộc sống. Đó là vệt bài phản ánh nạn xe ôm trấn lột khách ở Bến xe Miền Tây; là loạt điều tra “chỉ mặt” chiêu “ăn tiền” của cán bộ trật tự đô thị huyện Hóc Môn; là vệt bài “lật tẩy” đường dây biến vú heo trôi nổi thành nầm bò trong quán nhậu… Nghiêm trọng hơn, báo còn chỉ ra nạn “mua đường” và cơi nới thùng xe qua hai loạt bài điều tra “Mua đường trong Khu công nghệ cao TP.HCM” và “Xe quá tải tung hoành ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên”…

Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng đều vào cuộc quyết liệt; có vụ cơ quan tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam người vi phạm, có vụ các cơ quan chức năng tăng cường ra quân chấn chỉnh những tồn tại để đảm bảo trật tự, bình yên và an toàn cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm