Từ clip trên youtube.com: Bảo mẫu tắm trẻ bằng... chân

Cơ quan công an đã lần ra người phụ nữ trong đoạn phim là Trần Thị Phụng (53 tuổi), một bảo mẫu giữ trẻ gia đình ở ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao (huyện Thuận An, Bình Dương). Cháu bé trong đoạn phim là Hồ Thị Thúy Ngân (ba tuổi, ngụ cùng ấp). Chị N., một công nhân ở xã Thuận Giao, nhiều lần chứng kiến bé bị đối xử mạnh tay nên bức xúc dùng điện thoại di động ghi hình để tố cáo.

Sáng 24-11, bà Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Giao, đã triệu tập cán bộ phụ nữ, công an xã để xác định, tìm kiếm địa điểm xảy ra vụ việc. Chi hội Phụ nữ ấp Bình Thuận báo cáo tại nhà bà Phụng đang giữ sáu cháu bé có nhiều điểm giống trong đoạn clip. Khi bà Phượng đến đây hỏi việc ngược đãi trẻ, bà Phụng lắc đầu nguầy nguậy. Bà Phượng đề nghị công an tới và mở đoạn clip cho mọi người chứng kiến.

Từ clip trên youtube.com: Bảo mẫu tắm trẻ bằng... chân ảnh 1

Bà Phụng tắm bằng cách đạp chân lên người bé Ngân và giật ngược tóc ra sau, tạt nước vào mặt bé. Ảnh: BCH (trích video clip)

Lúc này bà Phụng phải ký vào biên bản thừa nhận chính mình là người tắm cho cháu Ngân trong đoạn clip trên. Tại trụ sở, khi công an xã để chiếc ca bằng nhôm mà bà Phụng dùng múc nước tạt xối xả vào mặt cháu Ngân thì bà cúi gầm mặt xuống. Theo bà Phụng, buổi chiều 21-11, bà dẫn cháu Ngân ra giếng gội đầu, do cháu trở chứng khóc nên bà nổi giận và có hành vi trên. Bà Phụng thừa nhận không nhớ bao nhiêu lần hành xử như vậy...

Ngay sau đó, bà Phụng đã được chuyển tiếp tới Công an huyện Thuận An lấy lời khai làm rõ hành vi này.

Ông Đỗ Hữu Sơn Hà, Phó Công an xã Thuận Giao, cho biết: “Lúc chúng tôi đưa cháu Ngân tới gần bà Phụng, cháu sợ không dám lại gần. Theo ghi nhận, cháu Ngân có một vài điểm sưng nhẹ trên cơ thể, UBND xã Thuận Giao đã đưa cháu Ngân tới bệnh viện khám sức khỏe”.

Được biết, bà Phụng trước đây là công nhân, sau khi chồng bị bệnh nan y, bà ở nhà mở điểm trông giữ trẻ và chăm sóc chồng. Phía Hội Phụ nữ xã Thuận Giao đã hai lần kiểm tra và lập biên bản điểm giữ trẻ này vì không đủ tiêu chuẩn.

Chị T., người nhà cháu Ngân, nói: “Ba mẹ cháu là công nhân giày da tại một công ty ở Bình Dương. Mỗi sáng họ chở cháu tới giao cho bà Phụng trông nom mà không biết cháu bị đối xử tệ như vậy. Về nhà cháu cũng không nói với ba mẹ nên không ai biết gì”.

Bà Nguyễn Thị Phương, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện Thuận An, cho biết: “Thực trạng chỗ gửi trẻ trên địa bàn huyện rất phức tạp nhưng cán bộ phụ nữ xã đang thiếu người nên không có điều kiện rà soát thường xuyên... Nhà trẻ công lập cũng có nhưng đối với công nhân thu nhập thấp không có điều kiện đưa con vào gửi... Còn lớp nuôi dạy trẻ tư nhân nở rộ, một ấp, một xã có tới hơn chục điểm trông giữ trẻ chui là chuyện bình thường. Khi chúng tôi tới kiểm tra, có điểm không hợp tác, đóng cửa không tiếp dù các cháu khóc thét bên trong. Sau đó chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh họ mới chịu mở cửa cho đoàn kiểm tra làm việc”...

VÕ BÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm