Ông nhận định Trung Quốc rõ ràng muốn thay đổi môi trường chiến thuật ở biển Đông với các động thái như bồi đắp xây đảo nhân tạo, triển khai tên lửa và máy bay. Ông khẳng định Trung Quốc muốn quân sự hóa biển Đông và nhấn mạnh: “Chỉ có tin rằng Trái đất là một mặt phẳng thì mới nghĩ khác được”. Ông ủng hộ kế hoạch tuần tra thường xuyên để bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông.
Theo báo Navy Times, Đô đốc Harry Harris thừa nhận các thế hệ tên lửa chống hạm mới của Trung Quốc như DF-21 và DF-26 có thể đe dọa các biên đội tàu sân bay của Mỹ nhưng hải quân Mỹ đủ sức đáp trả.
Ông tâm tư: “Khi tôi bắt đầu điều khiển máy bay P-3 trong thập niên 1970, chúng ta đã có tên lửa chống hạm Harpoon và tới tận bây giờ vẫn vậy. Chương trình Tên lửa chống hạm tầm xa bắn từ máy bay (LRASM) đem lại năng lực vượt trội, do đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này”.
Báo Washington Times dẫn lời ông Harry Harris nhận định hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh đã tạo thời cơ chiến lược để Mỹ thắt chặt quan hệ với một số nước, trong đó có Việt Nam. Ông gợi ý Mỹ có thể xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam như thông điệp gửi tới Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sắp tới.
Báo The Hill đưa tin tại cuộc điều trần, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain phát biểu: “Trung Quốc đã hành động không phải là tác nhân chịu trách nhiệm về trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà giống như một kẻ bắt nạt”. Ông nhận xét dù Mỹ nỗ lực tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương nhưng chính sách của Mỹ đã thất bại. Ví dụ: Hơn một năm sau khi Mỹ kêu gọi ngừng bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa ở biển Đông, Trung Quốc vẫn cứ làm.
Ông đã đưa ra hàng loạt đề nghị như tiếp tục thực hiện tự do hàng hải thường xuyên hơn, phối hợp tuần tra và tập trận với các đồng minh và đối tác, tiếp tục các chiến dịch trinh sát, cấm vận các công ty Trung Quốc liên quan đến xây đảo nhân tạo, thực hiện Sáng kiến Củng cố an ninh châu Á như Sáng kiến Củng cố an ninh châu Âu đã tiến hành với Nga.