Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Năm (2-8), cổ phiếu của Apple gia tăng 3%, đạt mốc 207,04 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của “quả táo khuyết” bắt đầu tăng mạnh kể từ khi tập đoàn này công bố báo cáo tài chính quý II-2018 vào thứ Tư vừa qua. Apple đã tăng tốc, đạt giá trị thương hiệu vượt mức 1.000 tỉ USD nhờ vào hai sản phẩm iPhone 8, iPhone X và các ứng dụng của Apple.
Không đơn giản như quả táo cắn dở
Năm 1976, Steve Jobs và hai cộng sự là Steve Wozniak và Ronald Wayne đã bắt đầu mở ra thương hiệu “trái táo cắn dở” hay “trái táo khuyết” trong một garage cũ kỹ để xe ở California. Trong khi logo quả táo cắn dở không có nhiều giai thoại ly kỳ mà đơn giản chỉ là một hình tượng mà Steve Jobs gọi là “vui tươi và hứng khởi” thì quá trình nhà lãnh đạo tài ba này đưa logo đó vào tâm trí người dùng của thế giới mới thật sự ấn tượng.
Chỉ trong vòng khoảng 10 năm sau khi ra đời, Apple đã trở thành một thương hiệu đại chúng, nổi tiếng khắp thế giới. Đến năm 1985, Steve Jobs đã bị loại khỏi tập đoàn này và Apple bắt đầu những ngày đen tối nhất trong lịch sử của mình. Đến năm 1997, Apple rơi vào nguy kịch khi gặp cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ rất mạnh là Microsoft và các đối tác của tập đoàn khổng lồ này. Apple đã phải cắt 1/3 lực lượng lao động, thậm chí đã có lúc tập đoàn này chỉ chờ phá sản trong 90 ngày. Đó cũng chính là lúc Steve Jobs quay về, vực dậy Apple bằng đường lối “nghĩ khác đi”.
“Câu hỏi bây giờ không phải là chúng ta có thể vực lại Apple hay không? Tôi nghĩ đó là một giải thưởng ngớ ngẩn. Tôi cho rằng vấn đề là chúng ta có thể khiến Apple trở nên thật sự tuyệt vời nữa hay không?” - Steve tuyên bố và bắt đầu một lần nữa lèo lái Apple đang bên bờ vực phá sản. Ông tung ra những cải cách thần tốc, ra mắt hàng loạt sản phẩm tạo ra cú hích kinh ngạc và hình thành một chuỗi cung ứng toàn cầu thành công.
Apple trở thành thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Ảnh: TECHCRUNCH
Sau thành công từ những năm 1990 khi giới thiệu liên tiếp các dòng máy tính cá nhân, điển hình như iMac G3 vào năm 1998, Apple tiếp tục ra mắt dòng máy nghe nhạc di động iPod năm 2001 với doanh số lên đến 400 triệu chiếc và tất nhiên không thể thiếu thư viện âm nhạc iTunes ra đời đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người, khẳng định vị thế “không chỉ là máy tính” của Apple.
Tuy nhiên, Ken Kocienda, một kỹ sư phần mềm lâu năm của Apple, khẳng định “iPod là một bước đi rất quan trọng. Nhưng iPhone mới thật sự là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi: Sau các thế hệ máy tính cá nhân thì Apple sẽ có gì tiếp theo?”. iPhone đã thay đổi mạnh mẽ cách thức tương tác giữa con người và công nghệ, nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy nhất thời đại: Doanh số đạt hơn 1,4 tỉ chiếc kể từ khi ra mắt vào năm 2007. Có lẽ không có sản phẩm nào có thể tạo ra một động lực mạnh mẽ đến Apple có thể gia tăng giá trị lên đến 1.000 tỉ USD như iPhone. Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Apple trị giá 73,4 tỉ USD.
Giá trị của Amazon, Google và Microsoft trong năm nay đều tăng mức kỷ lục. Amazon đã đạt giá trị gần 900 triệu USD, trong khi Google và Microsoft hiện đã vượt mốc 800 tỉ USD, theo thống kê CNN. |
Câu hỏi lớn nhất cho tương lai
Điều tưởng chừng là bi kịch với Apple chính là khi Steve Jobs, người được cả thế giới biết đến với những sản phẩm đáng ngưỡng mộ và phong cách quản lý quyết đoán, đã bất ngờ qua đời vào năm 2011 khi ông mới 56 tuổi. Sau sự ra đi của Steve Jobs, cựu giám đốc phần mềm của Apple Avie Tevanian từng nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ khiến công ty trở nên thành công rực rỡ và vô cùng giàu có. Nhưng có ai nghĩ có thể đạt được những gì như hôm nay? Tất nhiên là không. Ngay cả Steve cũng chưa từng nghĩ đến”.
Nhưng Apple quả thật đã đạt được giá trị lên đến 13 con số. Sau Steve Jobs, phải nhắc đến vai trò to lớn của Timothy D. Cook - người có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh giải pháp Apple xây dựng sản phẩm của mình. Trong vai trò giám đốc điều hành của Apple, Timothy Cook xây dựng lại chuỗi cung ứng sản phẩm phần lớn dựa vào các hợp đồng với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, giúp Apple linh hoạt hơn, tiết kiệm hơn để xây dựng hệ thống kinh doanh khổng lồ như hiện nay.
Khi ông Cook lên nắm quyền năm 2011, tổng giá trị cổ phiếu của Apple đạt mức 346 tỉ USD. Không chú tâm vào sự phô trương, ông Cook đã và đang xây dựng iPhone trở thành một thương hiệu khổng lồ, bao gồm cả việc bán các phụ kiện và dịch vụ đi kèm. Mặc dù máy tính bảng iPad, đồng hồ Apple Watch lần lượt ra mắt công chúng nhưng chưa dòng sản phẩm nào vượt mặt iPhone.
Thành công của Apple, theo New York Times, được đánh dấu bằng rất nhiều tranh cãi, bi kịch lẫn thách thức. Ví dụ, việc Apple đã tích cực sử dụng các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã dẫn đến những chỉ trích rằng Apple đang lợi dụng lực lượng công nhân giá rẻ ở các nước khác, lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ.
Thách thức của Apple lúc này không chỉ là các rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà còn là các vấn đề rào cản kỹ thuật khi tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực xe tự lái và kính thực tế ảo tăng cường. Nhưng câu hỏi lớn nhất của Apple hiện nay, khi iPhone đã 11 tuổi, chính là Apple sẽ phát triển theo đường lối nào để vượt qua những kỷ lục vĩ đại của chính mình?