Tự tử - quyết định tồi tệ nhất của tuổi trẻ, vì sao?

Nếu ngày ấy, khi đang tuổi 15, mẹ không đưa tôi đi cấp cứu kịp thời thì giờ này tôi đã ra người thiên cổ. Nguyên do cũng đến từ những bất đồng quan điểm với cha mẹ.

Nếu quá bí bách, bạn có thể đi đâu đó cùng bạn bè vài ngày, rồi bạn sẽ thấy mình cần có gia đình ở bên đến nhường nào...

Tâm lý tuổi mới lớn vô cùng khó nắm bắt, có khi mới sáng sớm chúng ta thấy thương cha mẹ vô bờ, nhìn những giọt mồ hôi khi bố mẹ đứng chờ ở cổng trường cũng làm lòng dạ chúng ta biết ơn tha thiết. Thế nhưng, nếu vào một buổi chiều, chỉ cần cha mẹ đem vài vấn đề như không chịu dọn phòng, xài tiền nhanh quá, không biết làm việc nhà, hư hỏng... gì đó để mắng móc, thêm lời của người này người kia vào nữa thì chúng ta thấy tổn thương và bị hắt hủi ngay.

Điều ấy đến rất nhanh, rất dữ dội...
Những đứa trẻ trong gia đình ít con cái thường có cách suy nghĩ tiêu cực khi gặp rắc rối với cha mẹ. Chúng có thể lấy cái tôi ra ''trả đũa'', có đôi khi là những cuộc bỏ nhà ra đi vài hôm, sa vào "ăn chơi" không lành mạnh, hoặc tệ hơn là tìm đến cái chết - như một sự phá hủy cái công trình mà cha mẹ đã dày công gầy dựng, chăm sóc.
Để cha mẹ phải hối tiếc. Hối hận. Dằn vặt. Và đau đớn đến suốt đời. Cho biết!
Còn nhớ ngày ấy, mẹ so sánh tôi với cô bạn ABC nào đấy, con bà dì, ông chú nọ, xong mẹ kết luận: "Giá như tao không đẻ mày ra thì đâu nhọc lòng thế này!". Câu nói đó đã vô tình đẩy tôi đến sự tuyệt vọng vô bờ bến, và tôi nghĩ như thế này: "Ừ thì mình chết đi cho xong. Mẹ vẫn còn thằng em mình, đỡ tốn kém nuôi thêm một đứa, có phải hơn không? Mình vô dụng đến nỗi mẹ không còn muốn có mình nữa, mình tồn tại hay không với mẹ cũng vô ích".
 "Nuôi một đứa con vất vả lắm, và nếu phải đánh đổi cả mạng sống để bảo vệ, che chở cho con thì cha mẹ chúng ta luôn luôn sẵn lòng"
Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên ánh mắt ba ngày hôm đó. Từ khi tôi biết nhận thức đến nay, tôi chỉ thấy ông khóc đúng ba lần. Lần thứ nhất là khi tôi học lớp 2, lúc ba đang sắp vào phòng mổ mà bác sĩ không đảm bảo ba sẽ được sống sót quay ra, ba nhìn tôi rơi nước mắt. Lần thứ hai là trong đám tang bà nội, và lần còn lại là khi tôi mê man nằm truyền nước biển liên tục sau cái chết hụt, tay tôi phù hết cả lên.
Ba tôi, người đàn ông ít nói, mạnh mẽ, bỗng một phút yếu đuối, suy sụp đến đáng thương. Ông đã òa khóc vì sợ mất tôi. Và cũng chính từ giây phút đó tôi tự nhủ rằng, nếu cuộc đời chưa cho mình chết thì mình chẳng bao giờ tự tìm đến cái chết lần nữa.
Đó là chỉ mới nói đến những vụn vặt chuyện cá nhân và chuyện trong nhà. Chưa kể đến những tác động tiêu cực từ bạn bè, trường lớp, xã hội.
Mạng Internet phát triển quá nhanh, kéo theo những hệ lụy rất khó liệt kê nổi, trong đó phải kể đến ''hiệu ứng dây chuyền'' của tâm lý khi một người có thể kết nối, giao tiếp tới quá nhiều kênh thông tin khác.
Giờ tôi 33 tuổi, lâu lâu vẫn bị những ảnh hưởng tiêu cực xâm lấn suy nghĩ khiến bản thân muốn buông xuôi tất cả. Nhưng các bạn trẻ ơi, hãy mạnh mẽ một chút, nhìn nhận thẳng thắn vấn đề mình đang gặp phải để cởi mở và chia sẻ cùng người nào tin tưởng. Đừng để uất ức và nhất là đừng hành động một mình sẽ gây hệ lụy dài lâu cho gia đình.
Nỗi đau mất con là nỗi đau xé lòng mà cha mẹ cả đời cảm thấy ray rứt, bất hạnh. Đừng để họ phải sống những chuỗi ngày còn lại trong đau khổ dày vò.
Sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa với rất nhiều người, nhất là gia đình, đặc biệt là ba mẹ. Nuôi một đứa con vất vả lắm, và nếu phải đánh đổi cả mạng sống để bảo vệ, che chở cho con thì cha mẹ chúng ta luôn luôn sẵn lòng. Vì thế, đừng hành động lệch lạc trong phút nông nổi mà chối bỏ tình yêu lớn lao vô bờ bến ấy.
Nếu quá bí bách, bạn có thể đi đâu đó cùng bạn bè vài ngày, một cách "dạt vòm" hiệu quả, bạn sẽ thấy cần có gia đình ở bên đến nhường nào. Nhưng tuyệt nhiên đừng nghĩ đến chuyện từ bỏ cuộc sống, tội cho mẹ cha dữ lắm, họ không có nổi một ngày nào vui nếu không còn con họ trong đời.
Và những người làm cha làm mẹ cũng đừng quá khẳng định quyền lực của mình với con trẻ. Khi chúng đang độ trưởng thành, hãy tin vào con và hãy lắng nghe con, kể cả những sai trái, ấu trĩ. Hãy kiên nhẫn, khéo léo đưa con về quỹ đạo giáo dục của gia đình từ từ, đừng một phút nóng giận mà buông lời gạt bỏ nó ra khỏi sự che chở của mình, dù đó chỉ là lời nói nhất thời, cho qua chuyện. 
Không ai dễ dàng gì để đi tìm cái chết, hẳn đó phải là một quyết định tồi nhất trong các quyết định mà họ đưa ra trong đời, khi hoàn toàn bế tắc không lối thoát...
Hãy cởi mở với nhau đi, cuộc đời ơi!

Tự tử - quyết định tồi tệ nhất của tuổi trẻ, vì sao? ảnh 2
Hình ảnh dễ thương của "cháu ngoại quốc dân" Nguyễn Phong Phú và "bà ngoại xì tin" Phạm Thị Danh. Ảnh: Internet

Nhắc đến "cháu ngoại quốc dân" và "bà ngoại xì tin" là lập tức cư dân mạng nhớ đến cụ bà Phạm Thị Danh (90 tuổi, ở Hóc Môn, TP.HCM) trong clip được cháu ngoại đút cơm cho ăn. Trong clip, "cháu ngoại quốc dân" Nguyễn Phong Phú đã làm cư dân mạng tan chảy khi có màn “dụ” ngoại ăn rất độc đáo. Phú gọi ngoại là công chúa, năn nỉ ngoại ăn với lời lẽ siêu ngọt ngào như "ngoại là lẽ sống của đời con"; hay "không có ngoại đời sống con như vô nghĩa, bế tắc"…
Điều khiến cư dân mạng xót xa là chỉ năm tháng sau ngày bà ngoại qua đời (4-5), Phú cũng về với cát bụi ngày 10-10. Theo thông tin ban đầu, Phú có thể bị trầm cảm dẫn đến  tự tử.

Tự tử - quyết định tồi tệ nhất của tuổi trẻ, vì sao? ảnh 3
Phú báo trước về cái chết của mình trên Facebook cá nhân trong phần giới thiệu. Ảnh: Internet

Trước đó, từ đầu tháng 9-2018, Phú đăng status cho biết mình bị bệnh và hỏi thăm bạn bè nơi đi khám tổng quát. Thậm chí hôm 28-9, Phú chia sẻ trên Facebook mình bị lạt miệng, chán ăn gần ba tháng: “Lên Google bảo lạt miệng dấu hiệu của ung thư. Chắc mình không qua nỗi cái tuổi 25 quá!” - cậu viết.

Trước đó tám ngày, Phú đăng status dự cảm về cái chết: “Ăn không được, ngủ cũng không được. Chắc sắp được gặp ngoại rồi!”.

Trước khi tự tử, Phú cập nhật dòng chữ “Nó chết rồi” ở phần Giới thiệu trên Facebook.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm