“Vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại Đồng Nai vừa qua cho thấy nhiều bất cập, xe khách của nhà xe Thành Bưởi với nhiều xe bị tước phù hiệu, tổng số lên tới 246 lần. Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không? Phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực này”. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông chín tháng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trong quý IV tới.
Lỗ hổng trong quản lý xe kinh doanh vận tải
Tại hội nghị, từ sau vụ TNGT thảm khốc của hãng xe Thành Bưởi tại Đồng Nai vào ngày 30-9, nhiều bất cập trong quy định quản lý xe kinh doanh vận tải đã được chỉ ra. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cục đã triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình, camera theo dõi lịch sử đối với xe kinh doanh vận tải.
Thông qua thiết bị, camera theo dõi lịch sử của xe kinh doanh vận tải, trong chín tháng năm 2023, Sở GTVT các địa phương đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với gần 470.000 xe, trong đó thu hồi phù hiệu hơn 25.000 xe. Riêng xe của hãng Thành Bưởi đã bị tước phù hiệu lên tới 246 lần.
Qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ông Cường chỉ ra còn một số tồn tại trong quy định về thu hồi phù hiệu. Cụ thể, Nghị định 86/2014 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô) quy định thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ 1-2 tháng. Theo đó, xe bị tước phù hiệu thì hai tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới.
Tuy nhiên, đến Nghị định 10/2020 thay thế thì nội dung này đã không bị bãi bỏ. Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại.
Ông Cường đánh giá: “Quy định tại Nghị định 10 tụt hậu so với trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý chưa được hiệu quả” - ông Cường nói và cho biết cục sẽ đề xuất sửa đổi nội dung này.
“Sửa đổi quy định theo hướng tăng cường chế tài, xử phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để các xe vi phạm nhiều lần, nhân viên lái xe của mình vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.”
Phải có giải pháp mạnh mẽ hơn
Từ vụ TNGT của xe Thành Bưởi với những bất cập như đã nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giao các đơn vị chức năng nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động xe kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.
“Vụ TNGT tại Đồng Nai vừa qua cho thấy nhiều bất cập, xe khách của nhà xe Thành Bưởi với nhiều xe bị tước phù hiệu, tổng số lên tới 246 lần. Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không?” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi. Đồng thời, ông cho rằng phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép các xe vi phạm cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn nhà xe kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ông Thắng cũng giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát các quy định, không để tình trạng quy định mới thụt lùi so với quy định cũ. Theo đó, ông đề nghị sửa đổi theo hướng tăng cường chế tài, xử phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để các xe vi phạm nhiều lần, nhân viên lái xe của mình vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.
“Các đơn vị phối hợp với Bộ Công an, các tỉnh, TP trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm gây TNGT. Qua đó, nghiên cứu nhiều giải pháp khác tạo ra văn hóa giao thông: không thể vi phạm, không dám vi phạm và không muốn vi phạm” - bộ trưởng chỉ đạo.
Đánh giá về tình hình đảm bảo an toàn giao thông, bộ trưởng nhìn nhận chín tháng qua, mặc dù TNGT đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, số người thương vong do TNGT còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
Về nguyên nhân, bộ trưởng nhấn mạnh ngoài hành vi trực tiếp của người điều khiển phương tiện gây TNGT thì còn có trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý nhà nước ở các khâu có liên quan.
Theo bộ trưởng, những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế, bởi vậy các cơ quan của Bộ GTVT theo chức năng, nhiệm vụ phải đặc biệt chú trọng hoàn thiện các quy định pháp luật. Trong đó có dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.•
TP.HCM có 1.114 vụ tai nạn giao thông trong chín tháng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết trong chín tháng năm 2023, TP.HCM xảy ra 1.114 vụ TNGT, làm chết 408 người và bị thương 711 người.
So với cùng kỳ năm 2022, giảm 369 vụ (giảm 24%), giảm 76 người chết (giảm 16%), giảm 256 người bị thương (giảm 26%).
Ông Lợi thông tin trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, các tuyến cửa ngõ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, TP sẽ tập trung triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm, chiến lược như đường song hành Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và chuẩn bị đầu tư dự án trọng điểm. Bên cạnh đó là cấp bách kết nối các tuyến giao thông liên vùng như đường vành đai 2, đường vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ...