“Thời điểm nhạy cảm” này chính là lúc nghi can vừa bị bắt về trụ sở công an, nhà tạm giữ, trại tạm giam, tức giai đoạn tiền khởi tố. Đó là lúc phải kiểm sát thật chặt, bởi lẽ trên thực tế hầu như những vụ bức cung, nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng (làm chết người hoặc làm oan) từng bị phát hiện, xử lý đều trong giai đoạn này. Về tố tụng, nếu trước khi khởi tố mà nghi can đã bị bức cung, bị điều tra viên đánh đến mức phải nhận tội thì rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều tra và toàn cục vụ án.
Kiểm sát tâm lý điều tra viên
Nguyên nhân, trước hết không thể phủ nhận thực tế là ngày càng nhiều băng nhóm tội phạm và người phạm tội rất nguy hiểm, manh động, liều lĩnh khi thực hiện hành vi tội phạm. Chúng coi thường pháp luật, mạng sống của con người và thường gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội cũng như sự hoang mang lo sợ cho cộng đồng. Điều đó đòi hỏi các chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân và những người tham gia đấu tranh chống tội phạm phải sử dụng nhiều biện pháp để tấn công, trấn áp tội phạm. Lúc này cần phải có những điều tra viên có trái tim nóng.
Tuy nhiên, về mặt chủ quan, khi trình độ nghiệp vụ yếu, vốn sống kiến thức ít cộng với tâm lý nóng vội sẽ khiến điều tra viên phạm sai lầm bằng việc dùng nhục hình. Cạnh đó nếu ý thức chấp hành pháp luật yếu (kể cả kiểm sát viên và thẩm phán) thì cũng là động lực khiến họ luôn bị thôi thúc dùng biện pháp mà pháp luật không cho phép.
Song theo tôi, quan trọng nhất là người làm điều tra và người giám sát việc điều tra phải kiểm sát được tâm lý của chính mình. Đây là yếu tố rất quan trọng, nói cách khác lúc này chúng ta phải cần những điều tra viên có cái đầu lạnh. Nếu tâm lý không được kiểm sát chặt chẽ thì sẽ phát sinh những hành vi ứng xử thái quá đối với nghi can. Ngay cả khi kỹ thuật xét hỏi thiếu khoa học rồi gặp phải sự chống đối mạnh mẽ thì sẽ tạo ra sự bức xúc, dẫn đến việc tấn công nghi can trái pháp luật.
Năm giải pháp lớn
Ở giai đoạn tiền khởi tố, người bào chữa và cơ quan VKS chưa thể tham gia vụ án thì giải pháp tốt nhất theo tôi chính là người quản lý nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam. Chúng ta phải tạo ra cơ chế kiểm sát mang tính độc lập, chặt chẽ giữa ban giám thị, các cán bộ trại tạm giam với các điều tra viên. Cụ thể trại tạm giam phải chịu trách nhiệm quản lý nghi can cả về nhân thân, sức khỏe lẫn tinh thần của họ. Khi trích xuất nghi can cho điều tra viên hỏi cung, họ phải kiểm tra tổng thể; trong quá trình lấy cung họ phải theo dõi, giám sát theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; khi nhận lại nghi can họ phải kiểm tra tình trạng thực tế. Xây dựng quy trình bàn giao nghi can giữa trại tạm giam với điều tra viên chặt chẽ nhằm phân định rõ ràng trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Kiểm sát chặt nhưng không có nghĩa là giám thị trại tạm giam can thiệp vào nghiệp vụ điều tra của các điều tra viên trong quá trình hỏi cung. Điều tra viên có thể thoải mái thể hiện bản lĩnh, trình độ, thoải mái vận dụng những kỹ năng điều tra mình có được trong khuôn khổ cho phép nhằm làm sáng tỏ sự thật. Còn nếu giám thị trại tạm giam có tâm lý phó mặc cho điều tra viên và coi việc bức cung, nhục hình là bình thường thì đúng là không có ai có thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ đầu theo luật định và phát huy cơ chế kiểm sát chặt chẽ của kiểm sát viên đối với hoạt động điều tra.
Ngoài ra, nên sửa đổi BLTTHS theo hướng việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung người bị tạm giam, bị can, bị cáo phải được ghi hình. Việc ghi hình phải liên tục không bị ngắt quãng, người có thẩm quyền giám sát việc này phải xem xét băng hình trên cơ sở thực chất.
Cuối cùng, theo tôi việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nghiệp vụ, đạo đức cho các cán bộ tố tụng, nhất là điều tra viên cũng rất quan trọng. Làm sao cho họ có trình độ nghiệp vụ và đạo đức ngang tầm với công việc được giao thì sẽ hạn chế tối đa việc bức cung, nhục hình. Bởi chính nó là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến oan sai trong hoạt động TTHS. Nó cũng làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của công dân, đồng thời còn làm mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM)
Ba giải pháp của tướng Phan Anh Minh Ngày 27-3, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP.HCM) cho biết có ba trường hợp có thể dẫn đến bức cung, nhục hình: Thứ nhất, điều tra viên có đủ bằng chứng thấy rõ đối tượng phạm tội nhưng để làm rõ các yếu tố khác nên áp dụng. Thứ hai, trong quá trình điều tra và lấy lời khai, bản thân điều tra viên bị nghi can khiêu khích, thách thức nên điều tra viên đã đánh cho bõ tức chứ không nhằm mục đích gì, kể cả việc ép nhận tội. Thứ ba, phổ biến nhất đó chính là điều tra viên bị sức ép về thời gian ra kết quả điều tra. Việc này thường xảy ra ở giai đoạn chưa khởi tố bị can. Ông Minh cũng cho biết có ba giải pháp chống bức cung, nhục hình: Thứ nhất, trong công tác tuyển chọn điều tra viên phải để ý đến yếu tố nhân thân và khí chất cán bộ. Thứ hai, phải có các biện pháp chế ước lẫn nhau, chẳng hạn vai trò giám sát điều tra, thậm chí ngay cả khi tạm giữ. Quy định của nhà tạm giữ, trại tạm giam rất nghiêm ngặt nên nếu cán bộ trại làm đúng nhiệm vụ thì điều tra viên không cách nào có thể dùng nhục hình tại nơi này được. Cạnh đó, vai trò giám sát của VKS cũng rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn điều tra. Thứ ba là từ con mắt của người thủ trưởng cơ quan điều tra trong việc nhìn người để phân loại án. ____________________________________________ Ngoài vụ năm cán bộ công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều bị TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) xét xử làm dư luận xôn xao, phẫn nộ tuần qua, ngành tòa án từng xử một số vụ công an dùng nhục hình làm trọng thương hay làm chết người khác. - Tháng 6-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã phạt Trung úy Lang Thành Dũng (nguyên cán bộ Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa) chín tháng tù treo về tội dùng nhục hình. Trước đó, giữa năm 2011, hai du khách đến công an trình báo bị mất tiền khi đi massage. Nghi ngờ người lái xe ôm và nhân viên tiệm massage dàn dựng lấy cắp, Dũng và Đỗ Ngọc Hiền (sinh viên trung cấp cảnh sát đang thực tập) đã còng tay hai nghi phạm đưa về trụ sở, Dũng tát rồi đấm hai nạn nhân ngất xỉu, phải đi cấp cứu... - Tháng 6-2012, TAND tỉnh Ninh Thuận đã phạt Lê Khắc Sáu (nguyên cán bộ điều tra thuộc Đội Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) năm năm tù về tội dùng nhục hình. Tháng 8-2011, nghi can Trần Gòn lấy trộm tiền công đức, bị người dân bắt giao công an. Bị cáo Sáu đã đánh đập và đạp lên người trong khi Gòn đang bị còng tay. Gòn được đưa đi cấp cứu và đã tử vong do bị chảy máu não và phù não... - Tháng 5-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã phạt Đại úy Trần Bá Tuấn chín tháng tù treo, Trung úy Nguyễn Đình Quyết (đều nguyên là điều tra viên Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa) cảnh cáo về tội dùng nhục hình. Trước đó, từ tin tố giác tội phạm và phân công miệng của lãnh đạo đội điều tra, hai bị cáo đã khám xét nơi ở của bà Trần Thị Lan rồi đưa bà về trụ sở, dùng tay chân, roi điện, dùi cui đánh bà Lan để ép là bà đã lấy tiền của chủ nhà nơi bà Lan giúp việc. Bà Lan phải cấp cứu và điều trị gần một tuần tại bệnh viện… SONG NGUYỄN tổng hợp
|