Trước ngày 10-10 tới đây, FIFA sẽ gửi một phái đoàn đến giám sát việc bán vé cho phụ nữ vào xem. Phái đoàn này cũng sẽ vào sân xem trận đấu và giám sát cả việc phụ nữ được cư xử ra sao trong trận đấu.
Sahar là fan “cứng” của CLB Esteghlal, một CLB rất mạnh của bóng đá Iran. Vừa rồi cô trang phục giả nam, mua vé vào xem CLB yêu thích của mình. Vào sân, Sahar bị phát hiện. Cô đứng trước nguy cơ tù giam sáu tháng theo luật pháp Iran…
Để tranh đấu cho quyền phụ nữ Hồi giáo được vào xem bóng đá nam cô đã tẩm xăng tự thiêu đến chết trước một tòa án ở Iran. Sự kiện dấy lên một trào lưu cực mạnh. FIFA biết chuyện và Chủ tịch Gianni Infantino họp bàn và quyết định sẽ gửi đoàn giám sát đến Iran theo dõi trước và trong lượt trận vòng loại World Cup ngày 10-10 Iran tiếp Campuchia.
Iran là một trong những nước Hồi giáo đi đầu trong việc cho phép phụ nữ đá bóng. Các tuyển nữ Iran cũng từng nhiều lần sang Việt Nam dự các giải đấu. Tuy nhiên, việc phụ nữ vào sân xem bóng đá nam lại là câu chuyện khác - Phạm luật.
Khi FIFA gửi thư đến LĐBĐ Iran hỏi về vụ cô Sahar tự thiêu. Bức thư được chuyển đến Phó Chủ tịch Quốc hội Hossein Ali Amiri.
FIFA sẽ gửi đoàn giám sát đến Iran từ đầu tháng 10 để giám sát việc bán vé cho phụ nữ vào xem trận Iran tiếp Campuchia trên sân Azadi. Đoàn này cũng giám sát sát cả việc phụ nữ Iran vào xem trận được cư xử ra sao.
Trước kế hoạch của FIFA như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Hossein nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực mở quầy bán vé riêng cho phụ nữ; phụ nữ cũng sẽ vào những cổng riêng và ngồi trên sân cũng sẽ… riêng. Dù chưa như các sân bóng khác nhưng đó đã là hình thức “cởi trói” bằng phương án tốt nhất để thay đổi khái niệm phụ nữ không thể vào sân bóng cổ vũ bóng đá.
Cuộc tranh đấu của FIFA dành cho phụ nữ Iran sẽ còn là câu chuyện dài. Bởi hiện nay luật của Iran rất nghiệt ngã, bắt bỏ tù phụ nữ vào sân xem thể thao cùng nam… FIFA không thể can thiệp để phụ nữ Iran phạm pháp nhưng đã thực hiện được việc làm thế nào để phụ nữ được vào sân xem và cổ vũ bóng đá.