Sau trận chung kết SEA Games 1995 tại Chiang Mai trở về, HLV Weigang chia sẻ: “Tôi biết các cầu thủ Việt Nam (VN) thua sức, thua chuyên môn, thua cả tâm lý nên đã phải động viên họ bằng cách xô hàng rào sân Chiang Mai để đòi quyền bình đẳng với đội chủ nhà Thái Lan. Thậm chí là gây hấn cả với đội ngũ an ninh vì cho người Thái cầm cờ Thái chạy quanh sân mà không cho người VN cầm cờ VN chạy để cổ vũ…”.
Đến bán kết Tiger Cup 1998 thì đội tuyển VN mới biết thắng Thái Lan. Một chiến thắng ba sao trên sân Hàng Đẫy mà phải đến khi học trò mình ghi bàn thứ ba, ông Riedl mới thực sự vung tay ăn mừng. Sau giải đấu đấy, ông Riedl thú nhận thắng Thái Lan 3-0 mà vẫn chưa hơn được bóng đá Thái Lan.
Chung kết AFF Suzuki Cup 2008, thắng Thái Lan 2-1 tại Bangkok giữa thánh địa Rajamangala của người Thái, thế nhưng ông Calisto vẫn thấp thỏm ở lượt về. Ông kể lại: “Khi thấy cầu thủ VN từ phòng thay trang phục bước ra sân của họ. Tôi thấy nét lo lắng và sợ hãi thể hiện trên từng khuôn mặt bởi tâm lý thua Thái, lại đá trên đất Thái. Lúc đấy tôi mới hét lên rằng tại sao lại phải sợ họ. Họ 11 cầu thủ, họ có hai tay, hai chân, ta cũng có hai tay, hai chân. Hãy bước ra sân và chiến đấu như những người đàn ông…”.
Thắng Thái Lan trong thế mà đối thủ phải sợ hãi khi đối đầu với mình. Ảnh: TRÂM ANH
Lượt về đá ở Mỹ Đình là 90 phút hồi hộp, lo lắng và thấp thỏm, đến khi Công Vinh ghi bàn quý hơn vàng và vô địch Đông Nam Á. Thắng Thái thật ở sân chơi khu vực nhưng ông Calisto khi ấy vẫn đưa ra một kế hoạch gửi VFF với tiêu đề “Làm sao để giữ được thành tích đấy và để các cầu thủ VN thực sự vượt qua Thái Lan?”.
Với những cột mốc trên, rõ ràng có những lúc thắng Thái Lan nhưng không thể phủ nhận là vẫn ngại và vẫn sợ đội bóng này.
Phải đến King’s Cup thì các học trò ông Park Hang-seo mới cho thấy một diện mạo thực sự không còn ngại bóng đá Thái Lan, từ cấp độ trẻ đến U-23 và mới nhất là thắng đội tuyển Thái Lan tại cái sân từng mang tên “Lâu đài sấm sét” của họ.
Bóng đá VN đã đặt Thái Lan vào thế phải ái ngại, sợ hãi khi đối đầu y hệt trước đây bóng đá VN từng ngại họ.
Vì sợ nên người Thái đã đánh mất chính mình và tự sát bằng lối đá bạo lực lo chặt chém, dùng tiểu xảo và lúc nào cũng muốn đấu võ, muốn đá đau cầu thủ VN.
Vì sợ nên người Thái cứ phải gồng lên đòi mình là số một, thậm chí thua rồi vẫn còn cay cú đòi là “King of ASEAN”.
HLV Park Hang-seo sau khi cùng các cầu thủ VN khẳng định vị thế của mình và khẳng định không còn sợ bóng đá Thái Lan nữa thì khẳng định mục tiêu xa hơn là vòng loại World Cup.
Đã hết sợ và dám nghĩ xa thì vấn đề còn lại là những nhà làm bóng đá phải làm gì tiếp theo để cùng với ông Park Hang-seo tạo những nền tảng vững chắc sau những chiến thắng ở cấp đội tuyển.
Đã hơn Thái Lan rồi thì giờ đừng để rơi lại vào bài học của chính Thái Lan nữa.