Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện một số quy định của pháp luật.
Nếu không có biển cấm dừng đỗ xe thì người dân cần thực hiện việc dừng đỗ như quy định, kể cả trước cửa nhà riêng, cửa hàng riêng của mình.
Tự phá xe đậu trước nhà, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa: HTD
Riêng đối với người dân, nếu phát hiện người khác đậu xe chắn lối ra vào hoặc cản trở việc đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thì người dân nên báo ngay cho những cơ quan, những người có thẩm quyền. Ở TP thì báo cho tổ dân phố, khu phố, công an khu vực, hoặc có thể gọi qua tổng đài 113 (vì từ 21-5-2015, tại TP.HCM đã liên thông ba tổng đài 113, 114 và 115) để lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật nếu việc đỗ xe đó là trái phép.
Trong trường hợp không có biển báo cấm dừng, cấm đậu thì khi phát hiện người dân nên liên hệ với chủ xe hoặc tài xế để dàn xếp, tránh những xung đột về lợi ích.
Đối với cả hai trường hợp trên, tuyệt đối người dân không được quyền “tự xử” theo cách của mình như xịt sơn lên xe hoặc có những hành vi khác gây thiệt hại cho chủ xe. vì lý do nào chăng nữa, người vi phạm nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS.
Nếu tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm.
Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013.
Trong cả hai trường hợp trên, ngoài việc bị xử phạt thì người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Riêng về việc lắp đặt bảng cấm, người dân không được quyền tự ý lắp đặt bảng cấm. Bởi vì theo khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định thì chỉ có những người có thẩm quyền mới được quyền tổ chức lắp đặt các biển báo giao thông, người không có thẩm quyền mà tự ý lắp đặt gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm theo quy định tại Điều 203 BLHS.
Nếu người dân tự ý làm trái pháp luật thì có thể bị xử phạt như sau:
Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến 10 năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2016.
Các tài xế, chủ phương tiện nên tuân thủ các quy định về biển báo giao thông đường bộ đồng thời nên giữ sự bình tĩnh để tránh xung đột. Trường hợp đoạn đường không có biển báo cấm dừng, đậu xe thì khi dừng hoặc đậu tài xế nên quan sát để hạn chế tối đa làm ảnh hưởng đến những người xung quanh như đậu xe trước cửa nhà người khác, trước cửa những nơi buôn bán mà lượng người ra vào đông, bít lối đi duy nhất,... nếu vì lý do không còn sự lựa chọn do có việc gấp phải đi thì trước khi đậu nên để lại số điện thoại (tốt nhất là bên trong trên kính xe phía trước) để những người bị ảnh hưởng có thể liên lạc với tài xế, tránh việc người bị ảnh hưởng ức chế tâm lý dẫn đến phá phách xe gây thiệt hại đến tài sản của chủ sở hữu. Để bảo vệ tài sản của mình, cách tốt nhất là tài xế đậu xe tránh xảy ra xung đột với những người xung quanh hoặc những phần tử quá khích.
TS tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Hành vi phá xe có nguồn gốc từ tâm lý ghét người giàu Ca dao tục ngữ có câu “trâu buộc ghét trâu ăn”. Tâm lý kỳ thị người giàu càng nặng nề trong suốt thời bao cấp, cho đến thời mở cửa, doanh nhân được chính thức công nhận là một nghề thì giàu có mới trở thành điều đáng mơ ước. Tuy nhiên, làm giàu không dễ và tâm lý kỳ thị người giàu ăn sâu bén rễ, rất khó triệt tiêu! Từ những điều trên, xét đến câu chuyện người dân phá hoại tài sản của người đi ô tô (dù họ không vi phạm) cũng một phần xuất phát từ tâm lý ghét người giàu đó. Tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn”, cứ nhìn thấy người giàu là không ưa của một số người có thể khiến họ tìm cách kiếm chuyện, gây khó dễ. |