Nguy cơ xung đột quân sự, thậm chí xung đột hạt nhân giữa hai cường quốc Mỹ và Nga thời gian gần đây được đề cập nhiều, đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung đã ký với Nga năm 1987.
Lo lắng trước nguy cơ này và nhằm ngăn chặn nó, gần đây nhiều chính trị gia, quan chức quân đội Mỹ lên tiếng kêu gọi Mỹ cải thiện liên lạc, đối thoại với Nga do lo ngại thiếu thông tin có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự thậm chí cả xung đột hạt nhân giữa hai bên.
“Thời chiến tranh lạnh, chúng tôi hiểu được các tín hiệu của nhau. Chúng tôi có đối thoại với nhau. Thời gian này, tôi lo ngại chúng ta không hiểu rõ về họ như thời đó” – Tướng lục quân Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Tối cao Lực lượng đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu nói trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 14-4.
Ít nguy cơ xung đột khi hiểu rõ khả năng và ý định của nhau
Theo ông, cần thiết phải tăng cường giao tiếp, đối thoại với Nga, vì các nước hiểu rõ về khả năng và ý định của nhau sẽ ít có nguy cơ bước vào xung đột trực tiếp với nhau hơn: “Cá nhân tôi nghĩ rằng thông tin liên lạc là một phần rất quan trọng trong ngăn chặn xung đột. Tôi nghĩ chúng ta nên liên lạc nhiều thêm với Nga. Điều này sẽ đảm bảo chúng ta hiểu nhau và tại sao chúng ta làm điều phải làm”.
Tướng lục quân Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Tối cao Lực lượng đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng Mỹ cần tăng cường giao tiếp với Nga. Ảnh: BREAKING DEFENSE
Tướng Scaparrotti sắp rời chức vụ Tư lệnh Tối cao NATO. Ông cho biết suốt thời gian ở vị trí này ông chỉ gặp trực tiếp Tướng Valery Gerasimov - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga hai lần nhưng giữa hai ông có nhiều cuộc điện đàm về công việc.
Ý của Tướng Scaparrotti cũng là ý của Đô đốc về hưu James Stavridis (Mỹ) từng giữ vị trí Tư lệnh Tối cao Lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu thời gian 2009-2013. Dù đồng ý phương Tây phải đối đầu với Nga khi cần thiết nhưng ông Stavridis cũng kêu gọi tăng cường liên lạc giữa hai nước. Ông cho rằng dù có khác biệt thì quân đội hai bên vẫn có thể hợp tác ở các lĩnh vực liên quan đến khu vực Bắc Cực và vấn đề kiểm soát vũ khí.
“Không có sự gắn kết vững vàng, ở mức độ chính trị giữa các cơ quan quốc phòng thì nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới tăng nhanh” – Tướng Stavridis viết trong thư điện tử gửi hãng tin AP.
Không thể bỏ qua đối thoại với Nga
Ông Sam Nunn – cựu nghị sĩ Dân chủ Mỹ cho rằng đối thoại với Nga quá quan trọng và không thể bỏ qua, dù đối thoại này có dẫn đến tranh cãi chính trị trong nước.
Trong một bài viết trên báo Wall Street Journal ngày 11-4, cùng với các đồng tác gia cựu Ngoại trưởng Mỹ George Schultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, ông Nunn cho rằng Mỹ “cần tái gắn kết với Nga” để đảm bảo vũ khí hạt nhân không lan tràn và không bao giờ được sử dụng trở lại.
“Một bước thay đổi dũng cảm về chính sách là cần thiết để hỗ trợ một sự tái gắn kết chiến lược với Nga và bước lui khỏi tình thế nguy hiểm này. Bằng không đất nước chúng ta có thể sớm bị lôi vào một cuộc tranh cãi hạt nhân hiểm nghèo hơn, mất phương hướng và tốn kém hơn về kinh tế hơn cả thời chiến tranh lạnh” – cả ba viết trên Wall Street Journal.
(Từ trái sang): Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ George Schultz, cựu nghị sĩ Dân chủ Mỹ Sam Nunn và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry cùng thành lập Dự án An ninh Hạt nhân năm 2016 nhằm giảm nguy hiểm và đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Ảnh: NTI
Suy nghĩ này cũng nhận được sự ủng hộ từ Nhóm lãnh đạo an ninh châu Âu-Đại Tây Dương – một nhóm các chuyên gia an ninh và các cựu quan chức Mỹ.
“Rủi ro hiểu lầm nhau và không xác định được các tín hiệu từ nhau xuất phát từ việc thiếu vắng đối thoại liên quan đến quản lý khủng hoảng là có thật” – Nhóm chuyên gia và cựu quan chức Mỹ từng nhận định hồi tháng 2.
Theo nhóm này, việc thiếu liên lạc có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thông thường giữa Mỹ và Nga, và trong viễn cảnh xấu nhất sẽ dẫn đến một “nguy cơ đe dọa hạt nhân, thậm chí sử dụng hạt nhân khiến hàng triệu người có thể bị giết trong vài phút”.
Tuy nhiên, Đại Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng mức độ liên lạc hiện tại giữa hai bên là đã đủ để tránh “rủi ro tính toán sai” giữa hai bên.
“Tôi hài lòng với thực tế liên lạc quân đội với quân đội của hai bên hiện nay nhằm duy trì mức độ minh bạch giảm nhẹ rủi ro tính toán sai. Tôi nghĩ chúng ta có khung để quản lý khủng hoảng một khi nó xảy ra, ở mức quân đội với quân đội cấp cao” – Tướng Dunford nói ngày 12-4.
Tướng Joseph Dunford (giữa) cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong buổi lễ tưởng niệm Chiến sĩ trận vong ở nghĩa trang quốc gia Arlington năm 2018. Ảnh: REUTERS
Tướng Dunford cho biết ông có trao đổi thường xuyên với người đồng cấp phía Nga - Tướng Gerasimov, và các cấp quân đội hai bên cũng thường xuyên có liên lạc.
Nga trong khi đó vẫn cởi mở đối thoại, theo Sputnik. Phản ứng với sự kiện NATO kỷ niệm 10 năm thành lập, Nga ra thông cáo rằng mình vẫn cởi mở “tương tác nhằm mục tiêu giảm căng thẳng, khôi phục niềm tin lẫn nhau, ngăn chặn mọi nguy cơ hiểu sai vế ý định mỗi bên, và giảm rủi ro xảy ra các sự cố nguy hiểm”.