Giữa lúc số phận Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau tuyên bố rút lui của Mỹ thì Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tối 20-2 đã lên tiếng rằng Nga sẽ đáp trả mọi bước đi của Mỹ triển khai tên lửa đến gần Nga, bằng việc đưa tên lửa của mình đến gần Mỹ.
Tên lửa hạt nhân siêu thanh của Nga có thể tiếp cận Mỹ
Cụ thể, Tổng thống Nga đe dọa sẽ triển khai tên lửa hạt nhân siêu thanh lên các tàu chiến nổi hoặc các tàu ngầm đang hiện diện gần các vùng lãnh hải Mỹ, nếu Mỹ đưa tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu.
“Chúng ta đang nói về chuyện triển khai các phương tiện hải quân: tài ngầm và tàu chiến nổi. Và chúng tôi có thể đặt chúng (tên lửa) tùy theo tốc độ và tầm bắn đến các vùng biển trung lập. Nói thêm là chúng không đứng yên mà sẽ di chuyển và họ sẽ không dễ tìm ra chúng”, hãng tin Reuters dẫn phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Putin trước Quốc hội Nga tối 20-2.
“Quý vị nên biết rằng: Tốc độ của tên lửa là Mach-9 (nhanh gấp 9 lần so với tốc độ âm thanh) và có tầm bắn hơn 1.000km”, ông Putin nhấn mạnh.
Chủ nhân Điện Kremlin cam đoan tên lửa của Nga có thể phóng đến Mỹ nhanh hơn tên lửa Mỹ triển khai ở châu Âu có thể phóng đến Moscow, vì thời gian bay sẽ ngắn hơn.
“Tính toán không đứng về phía họ, ít nhất theo như mọi thứ đang diễn ra hôm nay. Đây là điều chắc chắn”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp Liên bang trước các nghị sĩ, quan chức Hội đồng Liên bang, và nhiều nhân vật cấp cao khác tại Quốc hội Nga ở Moscow (Nga) vào ngày 20-2. Ảnh: SPUTNIK
Sẵn sàng đón một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba
Ông Putin cũng cảnh báo quân đội Nga sẵn sàng ứng chiến với một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba nếu Mỹ muốn có cuộc khủng hoảng này. Nhà lãnh đạo này cho rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đang rất căng thẳng, nhưng mức độ thì chưa thể so với thời xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
“Căng thẳng không phải là một lý do để gia tăng đối dầu đến mức cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba thập niên 1960. Trong bất cứ trường hợp nào, đó không phải là điều chúng tôi muốn. Nhưng nếu có người muốn điều đó thì chúng tôi sẽ đón nhận”, Reuters dẫn lời ông Putin cho biết.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra vào năm 1962, Nga đưa tên lửa đạn đạo sang Cuba nhằm phản ứng với việc Mỹ triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo nội dung INF, Nga và Mỹ không được triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất đến châu Âu. Mỹ cáo buộc Nga nhiều năm nay có nhiều vi phạm nghiêm trọng với Hiệp ước này. Đầu tháng 1, Mỹ thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước INF trong 6 tháng nữa nếu Nga không chấm dứt vi phạm.
Ông Putin: Nga không có lựa chọn
Hơn năm thập niên qua, căng thẳng một lần nữa quay trở lại khi Nga lo ngại Mỹ có thể triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu một khi Hiệp ước INF không còn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đưa ra lời cảnh cáo chi tiết liên quan chuyện tên lửa tầm trung khi trình bày Thông điệp Liên bang tại Quốc hội Nga ở Moscow (Nga) vào ngày 20-2. Ảnh: TASS
Ông Putin từng nói ông không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động nếu Mỹ triển khai tên lửa mới đến châu Âu, bao gồm nhiều loại có thể bắn đến Moscow chỉ trong 10-12 phút.
Đây là lần đầu tiên ông Putin đưa ra lời cảnh cáo chi tiết liên quan chuyện tên lửa tầm trung.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích Kingston Reif tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, ông Putin có thể muốn phát đi tín hiệu rằng Nga thật sự không muốn phá vỡ Hiệp ước INF.
“Ông ấy có thể đang cố gắng chuyển tải thông điệp rằng, nhìn xem, không bên nào muốn thế giời chìm vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, vì thế chúng ta nên ngồi lại và khôi phục đàm phán”, Reuters dẫn lời nhà phân tích Reif.
Ngày 21-2, khi được hỏi về lời cảnh cáo mới nhất của ông Putin, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận và đề nghị Reuters chuyển câu hỏi sang Bộ Quốc phòng. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cho rằng lời cảnh cáo của ông Putin là sự tuyên truyền nhằm hướng sự chú ý khỏi việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF.
Theo Reuters, tới thời điểm này Mỹ không có tên lửa hạt nhân tầm trung phóng từ mặt đất để có thể triển khai đến châu Âu, nhưng không loại trừ Mỹ sẽ vào cuộc phát triển và triển khai loại tên lửa này một khi Hiệp ước INF sụp đổ.