Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều quốc gia, vũng lãnh thổ thường xuyên tiếp nhận lao động Việt Nam phải đóng cửa để chống dịch.
Các đường bay thương mại quốc tế cũng tạm ngưng khai thác khiến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trầm lắng trong hai năm qua.
Theo số liệu từ Cục quản lý lao động ngoài nước, 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 42.800 lao động, trong đó có 14.982 lao động nữ.
Trong đó, thị trường Đài Loan nhiều nhất với 19.350 lao động, Nhật Bản 19.000 lao động, Trung Quốc là 1.425 lao động, Hàn Quốc 700 lao động...
Đây là mức lao động xuất ngoại làm việc thấp nhất so những năm gần đây. Trước đó bình quân mỗi năm có khoảng 140.000 lao động đi làm việc ở các nước.
Các công ty phái cử tư vấn thông tin cho ứng viên có nguyện vọng xuất ngoại làm việc tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Thực tế, các thị trường truyền thống vẫn có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam khá cao, với nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau như cơ khí, đóng gói sản phẩm, nông nghiệp, bán hàng siêu thị, điện lạnh…
Nhu cầu tuyển dụng vẫn duy trì khá ổn định nhưng nguồn cung khan hiếm nên các công ty phái cử khá chật vật để tìm ứng viên phỏng vấn.
Ngay sau khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách, các công ty phái cử tại TP.HCM đã nhanh chóng kết nối với địa phương, thực hiện nhiều chương trình tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đây được xem là động thái mới của các công ty phái cử sau thời gian dài trầm lắm.
Mới đây, Công ty TNHH Sen Đại Dương tại TP.HCM đã có buổi gặp gỡ ứng viên trúng tuyển và phỏng vấn ứng viên mới tại tỉnh Đồng Tháp.
Ông Chữ Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, công ty đã kết nối ứng viên từ nhiều tỉnh thành phỏng vấn trực tuyến tại nhà thay vì đến trực tiếp như trước đây. Kết quả nhiều em trúng tuyển và đang học tiếng Nhật, chờ Chính phủ Nhật mở cửa sẽ xuất cảnh đi làm việc.
Lãnh đạo Công ty TNHH Sen Đại Dương tư vấn cho ứng viên những thông tin cần thiết. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Bà Lê Thị Ngọc Dung, phụ trách tuyển dụng Chi nhánh Công ty CP Xuất khẩu lao động và Dịch vụ Thương mại Biển Đông tại TP.HCM, cho biết nhu cầu tuyển dụng của các công ty Nhật rất cao và ổn định.
Trong đó, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực thiết yếu như bán hàng siêu thị, chế biến thực phẩm, điện lạnh.
"Những công việc này có mức thu nhập khá tốt, bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng" - bà Dung thông tin.
Để giải quyết chi phí cho người lao động xuất ngoại, một số công ty phái cử đã phối hợp địa phương thông qua ngân hàng cho người lao động vay trọn gói chi phí học tập, visa, khám sức khỏe và chi phí dịch vụ phái cử .
Về cơ chế ba bên này, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn, thông tin công ty đã phối hợp tỉnh Bến Tre và Kiên Giang hỗ trợ nguồn vốn vay cho nhiều ứng viên.
Theo ghi nhận của phóng viên PLO, Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2021, tỉnh này có 2.000 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ba Lan.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, đánh giá các hoạt động tuyển dụng đưa lao động đi làm việc nước ngoài được địa phương triển khai sâu rộng về các xã.
Nhờ đó, con em địa phương đi làm việc ở nhiều thị trường có công ăn việc làm ổn định, cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình đáng kể.
Nhiều công ty phái cử vẫn đặt hàng tuyển hàng ngàn lao động mỗi năm, trong giai đoạn dịch bệnh nhưng vẫn có gần 1.000 người xuất cảnh làm việc ở các nước.