Thay đổi lớn trong tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật

Chuyên gia nhân sự Navigos Group (nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng có uy tín tại Việt Nam) vừa có đánh giá: Đại dịch COVID-19 khiến nhiều DN mới của Nhật có kế hoạch tìm hiểu và phát triển kinh doanh tại Việt Nam tạm dừng lại.

Cụ thể, quý 1-2021, hiện tượng đóng băng tuyển dụng tại một số DN và tập trung vào việc phát triển cho đội ngũ nhân sự hiện tại. Tuy nhiên, quý 2-2021, các DN Nhật bắt đầu có nhu cầu tuyển dụng trở lại đối với các vị trí quản lý cấp trung, chủ yếu là các vị trí giám sát, phó trưởng phòng.

Navigos Group phân tích do tác động của dịch bệnh nên các DN đất nước mặt trời mọc cắt giảm nhân sự, chủ yếu là công nhân và nhân viên phổ thông. Còn khối nhân viên văn phòng và cán bộ quản lý, việc cắt giảm rất hiếm khi xảy ra.

Ngoài ra, DN Nhật cũng rất hạn chế việc đóng cửa nhà máy, văn phòng. Thay vào đó, họ chọn các biện pháp giảm lương, cho phép nhân viên làm việc luân phiên…

Một trong những thay đổi lớn nhất trong tuyển dụng của DN xứ hoa anh đào bên cạnh thành thạo tiếng Nhật, nhà tuyển dụng yêu cầu các ứng viên cần phải biết thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Trung hoặc tiếng Hàn.

Yêu cầu này do các DN Nhật mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác hoặc xuất khẩu hàng hóa sang DN của các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Yêu cầu cao về kỹ năng ngoại ngữ này khiến các du học sinh hoặc tu nghiệp sinh từ Nhật trở về sẽ gặp khó khăn trong việc ứng tuyển. Họ gặp cạnh tranh gay gắt khi giờ đây DN yêu cầu ứng viên cần phải biết thêm tiếng Anh hoặc tiếng Trung và tiếng Hàn.

Đồng thời, DN Nhật cũng chưa thu hút các ứng viên trẻ, mới tốt nghiệp đại học. Lý do lương thưởng thấp, không hấp dẫn và môi trường làm việc quá khắt khe và quy củ.

Ngược lại, các ứng viên có bề dày kinh nghiệm, chuyên môn cao hơn và có kỹ năng mềm tốt hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. “Để các ứng viên có thể chuyển ngang sang các DN Nhật khác thì họ sẽ cần phải đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng cao hơn từ phía nhà tuyển dụng, cả về ngoại ngữ, kinh nghiệm và chuyên môn”, Navigos Group lưu ý.

Trước đó, tại Hội thảo trực tuyến “Hợp tác liên kết trong lĩnh vực ngân hàng Nhật Bản và nguồn nhân lực tại Việt Nam", ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (DN có 15 năm đưa lao động sang Nhật làm việc và du học), đánh giá hiện có khoảng 2.000 DN Nhật Bản mở rộng thị trường tại Việt Nam. 

Ông cho biết hiện công ty đang tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực có triển vọng dựa trên đánh giá học lực để tổ chức đào tạo tiếng và văn hóa Nhật, định hướng nghề nghiệp.
Nguồn nhân lực trẻ này tuy còn thiếu kinh nghiệm nhưng nếu vận dụng vốn tiếng Nhật vững chắc và ý chí quyết tâm cao để học hỏi kiến thức và công việc, trang bị cho mình những kỹ thuật, kỹ năng cao cấp, thì hoàn toàn có thể trở thành lực lượng chủ chốt khi các doanh nghiệp Nhật mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.
Đồng thời, nguồn nhân lực này cũng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ngay tại Nhật với các vị trí cốt cán, ưu tú.

Hiếm khi sa thải nhân viên

DN Nhật có ưu thế về sự ổn định về hoạt động cũng như cách làm việc luôn có tổ chức và có các kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn nhiều biến đổi và bình thường mới.

Môi trường chuyên nghiệp và đào tạo bài bản là điểm thu hút với ứng viên. Đối với các ứng viên đã làm quen với môi trường và văn hóa tại các DN Nhật thì thường có nguyện vọng muốn tiếp tục gắn bó với DN.

Hiếm khi sa thải nhân viên cũng là một điểm cộng cho các ứng viên chọn DN Nhật. Văn hóa của các công ty của Nhật Bản là bảo đảm công việc ổn định và lâu dài cho nhân viên.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.