Tuyển sinh lớp 10 thành chủ đề ‘nóng’ tại kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk

(PLO)- Tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh Đắk Lắk, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến góp ý liên quan việc tuyển sinh lớp 10 và việc phân luồng học sinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đại biểu góp ý về việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và công tác tuyển sinh lớp 10.

HĐND tỉnh Đắk Lắk.jpg
Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: K.N

Ông Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar, cho hay công tác tuyển sinh lớp 10 vừa qua được cử tri quan tâm rất nhiều.

Theo ông Y Nhuân, các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiến tới phải dần giảm số học sinh mỗi lớp để nâng cao chất lượng dạy học.

Tuy nhiên, hiện nay học số học sinh tăng, còn cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên không tăng, gây khó khăn cho hoạt động giáo dục.

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, khẳng định định hướng phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn.

Theo ông Tiến, việc phân luồng học sinh trên thực tế còn nhiều bất cập, kết quả thực hiện chưa như mong muốn.

“Vừa qua, huyện Krông Pắk có hơn 300 học sinh phải phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, chất lượng đào tạo nghề rất quan trọng. Bởi, nếu đào tạo nghề thật sự hấp dẫn, khi học xong có nghề, có thể xin việc được thì tự khắc thu hút được người học.

Ông Tiến cho rằng cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các trường, khi đó việc phân luồng mới đạt hiệu quả.

Trả lời ý kiến đại biểu tại kỳ họp, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết năm học 2024-2025, toàn tỉnh còn khoảng 1.900 học sinh tốt nghiệp THCS chưa được tuyển sinh vào lớp 10.

HĐND tỉnh Đắk Lắk 1.jpg
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk

Theo ông Hiệp, vừa qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất với phương án cho tất cả các vùng đều có 44 học sinh/lớp đối với hệ lớp 10.

Nếu thực hiện theo phương án trên, tỉnh Đắk Lắk còn lại khoảng 900 học sinh chưa được tuyển sinh vào lớp 10, Những học sinh này sẽ được phân luồng vào học tại các trường nghề.

Cũng theo ông Hiệp, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 cần sự chung tay, góp sức của nhiều đơn vị, địa phương, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk phương án tổ chức thi tuyển toàn bộ để thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, việc mở rộng quy mô các trường nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cũng là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tại kỳ họp, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức giám sát việc thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo bà Hòa, việc giám sát giúp HĐND tỉnh Đắk Lắk đánh giá tổng thể chất lượng giáo dục trong thời gian qua. Từ đó, HĐND phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk tìm những giải pháp căn cơ để thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn công tác giáo dục trong thời gian tới.

Ngày 22-6, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk quyết định chuẩn y điểm chuẩn và số lượng trúng tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập tổ chức thi tuyển, năm học 2024-2025.

Theo quyết định nói trên, nhiều trường THPT tổ chức thi tuyển vào lớp 10 lấy mức điểm chuẩn cực thấp, chỉ từ 5 đến 6 điểm (3 môn thi).

Dù lấy điểm chuẩn thấp nhưng nhiều học sinh bị điểm liệt nên nhiều trường THPT tại Đắk Lắk không tuyển đủ chỉ tiêu. Điển hình, Trường THPT Krông Ana (huyện Krông Ana) thiếu 192 chỉ tiêu; Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng) thiếu 179 chỉ tiêu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm