Công Phượng trong chiến thắng 1-0 của U-23 Việt Nam trước U-23 Lào.
Trận ra quân vùi dập U-23 Brunei 6-0, tiền đạo Công Phượng chỉ được ra sân ở hiệp hai, sau khi đội tuyển U-23 Việt Nam chật vật có một lần đốt lưới đối thủ do công của Thanh Bình. Chính sự xuất hiện của chân sút HA Gia Lai đã giúp đồng đội chơi thanh thoát hơn và anh đã ghi một bàn, bỏ lỡ một cú sút 11m cùng hai lần kiến tạo nên bàn thắng.
Trận thứ hai đè bẹp U-23 Malaysia 5-1, Công Phượng đá chính từ đầu đã ghi hai bàn, làm ra hai quả phạt đền thành bàn trước khi bị thay ra dưỡng sức.
Trận thắng nhẹ U-23 Lào 1-0, hậu vệ Thanh Hiền sút xa ăn bàn cũng nhờ vào một tình huống đột phá kỹ thuật của Công Phượng khiến hậu vệ đối phương lúng túng phá hỏng.
HLV Miura luôn tỏ vẻ khó chịu khi nghe giới truyền thông hỏi về Công Phượng và cách trả lời thường ngập ngừng vì không muốn nói quá nhiều. Ông đề cao lối chơi và thành quả tập thể nhưng không ai phủ nhận sức ảnh hưởng của chân sút này rất lớn có thể quyết định đến số phận trận đấu. Khả năng cầm bóng đột phá của Công Phượng làm rối đội hình phòng ngự đối thủ lẫn những cú chuyền cuối cùng lợi hại là đặc điểm nổi bật của cầu thủ xuất thân từ Học viện HA Gia Lai Arsena JMG.
Cũng có lúc ông thầy người Nhật muốn thử thách tiền đạo này khi đẩy xuống đá tiền vệ trung tâm ở trận gặp U-23 Lào và Công Phượng cho thấy mình không để lại dấu ấn đặc biệt như đá gần cầu môn đối phương. Ngay lập tức, nó làm dấy lên một nghi vấn ông Miura muốn “dìm hàng” Công Phượng khi đặt anh đá trái sở trường cho người ta dễ thấy cái dở của mình.
Thế nhưng ông Miura vẫn bỏ ngoài tai mọi bình phẩm và chỉ lý giải đơn giản vì phán đoán đối thủ phòng ngự số đông nên để Công Phượng chơi thấp hơn nên không phát huy hết hiệu quả.
U-23 Đông Timor nằm ở cửa dưới thầy trò Miura nhưng có lối đá phòng ngự khó chịu với kiểu đặt chiếc xe buýt 2 tầng trong cầu môn.
Vấn đề mới hơn là liệu HLV Miura trong cuộc đối đầu gần như thủ tục với U-23 Đông Timor vào đêm nay (lúc 19 giờ 30) có dám để Công Phượng ở ngoài dành cho những trận đấu quan trọng hơn?
Đấy cũng là một cách che giấu điểm mạnh của mình trước tầm ngắm của các trinh sát và tập cho các cầu thủ làm quen với cuộc sống trên sân cỏ không có Công Phượng. Nó giúp cho các học trò ông Miura tự thích nghi và điều chỉnh tốt hơn nữa trong trường hợp Công Phượng bị đối thủ “bắt chết” hoặc không may chưa đạt trạng thái phong độ cao nhất.
Trước giờ ra quân, HLV Miura vẫn giữ bí mật đội hình xuất phát và chỉ khẳng định sẽ sắp xếp hàng tấn công mạnh nhất để giành chiến thắng trước U-23 Đông Timor tạo đà tâm lý tốt hơn cho trận cuối vòng bảng đá với U-23 Thái Lan.
Không biết Công Phượng có phải ra sân chia sẻ nhiệm vụ ghi bàn hay ông Miura muốn bắt học trò tự giải quyết mọi tình huống. Chỉ biết rằng U-23 Việt Nam sẽ vấp phải hàng thủ bê-tông U-23 Đông Timor như đã từng thua sít sao đều 0-1 trước hai đội mạnh hơn U-23 Malaysia và U-23 Thái Lan.
U-23 Đông Timor có một dàn cầu thủ nhập tịch giàu sức mạnh với hình thể tốt và chịu khó đeo bám. Ngoài ra, mặt trái của tác động về sự cố ông trưởng đoàn Đông Timor bị bắt vì dàn xếp tỉ số còn là việc 7 cầu thủ nằm trong vòng tình nghi buộc phải chịu thẩm vấn khi cảnh sát Singapore triệu tập bất cứ lúc nào. Vì thế, U-23 Đông Timor luôn ra sân với một tinh thần cảm tử, vừa như minh oan cho mình lại vừa nhằm chuộc lỗi cho ông trưởng đoàn.
Một chiến thắng cho thầy trò Miura là điều dễ xảy ra nhất và mong muốn thú vị hơn của giới hâm mộ khi chứng kiến một bộ mặt khác của U-23 Việt Nam với cuộc sống không Công Phượng.