Nhà phân tích cấp cao Benjamin Schreerthuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định như vậy trên tạp chíThe National Interest (Mỹ) ngày 26-6.
Ông nhận định Trung Quốc (TQ) dường như tin rằng cái giá phải trả cho hành động vi phạm liên tiếp các chuẩn mực trong tranh chấp ở biển Đông không quan trọng bằng lợi ích của TQ. Ông đưa ra ba giả định để giải thích vì sao TQ làm như vậy:
- Thái độ phản đối có phần rời rạc của khu vực trước hành động bành trướng của TQ cho phép TQ đưa ra lựa chọn để gây áp lực với các nước.
- Mỹ khó có thể đưa ra lập trường ở biển Đông tương tự như biển Hoa Đông (tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật).
- Các nước ngoài khu vực như Nhật, Ấn Độ, Úc chưa ủng hộ mạnh mẽ các nước tranh chấp nhỏ tại biển Đông.
Ông nhận định chiến lược của TQ trong hành động thay đổi trật tự hàng hải tại Đông Nam Á đang thách thức các nước khác, trong đó có Úc. Nếu thành công, âm mưu bá quyền hàng hải của TQ trên biển Đông sẽ làm xói mòn vị trí đồng minh của Úc trong khu vực, đồng thời làm suy yếu trụ cột chính sách quốc phòng của Úc.
Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia Benjamin Schreer đặt vấn đề: Úc nên can thiệp mạnh hơn vào tình hình biển Đông nếu các nước ASEAN chưa sẵn sàng. Có hai yếu tố cơ bản mà từ đó Úc nên ủng hộ phản ứng mạnh mẽ trước hành vi cưỡng bức hàng hải của TQ:
Giải mã cấu trúc chiến lược của TQ liên quan đến tuyên bố chủ quyền: Gần đây Mỹ công khai nhận định các tuyên bố sai trái của TQ đã làm xói mòn chiến lược của Bắc Kinh. Nhật cũng đã chỉ trích hành vi gây bất ổn của TQ ở biển Đông.
Bước kế tiếp cần làm là làm mới các lời kêu gọi, kiềm chế các tuyên bố và tham gia khai thác tài nguyên chung. Minh chứng rất quan trọng trong quản lý tranh chấp là Nhật và lãnh thổ Đài Loan cùng khai thác tại Senkaku/Điếu Ngư. Việc khai thác chung và ngăn chặn tranh chấp trước đây đã từng được nêu trong chính sách của TQ.
Úc cần tìm cách gia tăng khả năng của các nước ASEAN:Hầu hết các nước Đông Nam Á chưa đủ lực để giải quyết thách thức trước TQ, kể cả Philippines. Do đó, chiến lược can thiệp quốc phòng của Úc cần tập trung vào các khu vực có khả năng quản lý và đối phó hành động quấy rối hàng hải của TQ. Úc không cần thiết phải bố trí thiết bị quân sự tinh vi. Thay vào đó, Úc có thể tham gia vào các hoạt động đào tạo thực thi luật biển, tăng cường giám sát hàng hải và khả năng của cảnh sát biển.
Tóm lại, theo chuyên gia Benjamin Schreer, do chiến lược của TQ trên vùng biển Đông Nam Á, Úc cần phải có lập trường chiến lược chủ động hơn về quốc phòng khu vực.
DUY KHANG