Khi Iran nã hàng trăm tên lửa và phóng lượng lớn máy bay không người lái (UAV) tấn công vào Israel vào ngày 13-4, Israel có chỗ dựa quan trọng mà Ukraine vẫn chưa có: sự hỗ trợ trực tiếp và ngay lập tức từ Mỹ và đồng minh, đối tác có khí tài quân sự trong khu vực, theo tờ The Washington Post.
Hành động của phương Tây đối với Israel và Ukraine
Iran đã phóng 170 UAV, khoảng 120 tên lửa đạn đạo và khoảng 30 tên lửa hành trình vào Israel. Phần lớn tên lửa và UAV này được phóng từ Iran và một số ít xuất phát từ Iraq, Syria và Yemen, nhắm các mục tiêu ở Israel.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho rằng mô hình tấn công tầm xa kết hợp cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV như Iran tấn công Israel, là một dạng tấn công phức hợp có hiệu quả răn đe tối đa mà Nga đang dùng ở mặt trận Ukraine.
Với cuộc tấn công của Iran, Mỹ đã chuẩn bị phản ứng bằng cách sẵn sàng triển khai máy bay chiến đấu, tàu khu trục trong khu vực cũng như các hệ thống phòng không Patriot ở Iraq. Thêm vào đó, Anh, Pháp và Jordan cũng đã tăng cường hỗ trợ. Cùng với hệ thống phòng không Iron Dome của Israel, Israel và lực lượng liên quân Mỹ đã hạ 99% trong tổng số tên lửa và UAV nói trên, do đó tránh được thiệt hại lớn.
Còn đối với Ukraine, trong hơn hai năm chiến sự, nước này cũng đã đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV Nga. Ukraine chủ yếu dựa vào một loạt hệ thống phòng không “thập cẩm” do phương Tây gửi, trong đó có 3 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, để ngăn các cuộc tấn công của Nga.
Tuy nhiên, các hệ thống phòng không ngày càng bị “bào mòn” do đà tấn công mạnh của Nga và viện trợ vũ khí, đạn dược từ phương Tây đang cạn bớt, nhất là gói hỗ trợ an ninh của Mỹ trị giá 60 tỉ USD đang “mắc kẹt” tại quốc hội Mỹ. Cạnh đó, kho dự trữ các hệ thống phòng không của Ukraine cũng đang suy giảm do chiến dịch
Lãnh đạo Ukraine ao ước được như Israel
Ngày 15-4, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết chỉ riêng tuần trước, Nga đã phóng gần 130 UAV Shahed do Iran sản xuất, 80 tên lửa và 700 quả bom dẫn đường vào Ukraine gây nhiều thiệt hại.
Theo ông Zelensky, phản ứng khẩn trương và đoàn kết của Israel và đồng minh trước cuộc tấn công của Iran đã chứng minh rằng phòng không hiện đại có thể hạn chế thiệt hại và việc phòng thủ như vậy là điều có thể làm được.
“Cả thế giới thấy rằng Israel không đơn độc trong cuộc phòng thủ này khi mối đe dọa trên bầu trời cũng được các đồng minh của họ loại bỏ…Và khi Ukraine nói rằng các đồng minh của mình không nên nhắm mắt làm ngơ trước tên lửa và UAV Nga, điều đó có nghĩa là cần phải hành động mạnh mẽ” - ông Zelensky nói.
Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba cũng nhắc đến sự giúp đỡ trực tiếp mà các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Israel. Ông Kuleba nói: “Ngay cả khi bạn (phương Tây) không thể hành động như cách đã hành động ở Israel, hãy cung cấp cho chúng tôi những gì chúng tôi cần và chúng tôi sẽ làm phần còn lại của công việc”.
Thị trưởng TP Kharkiv - ông Ihor Terekhov nói rằng ông chỉ mong TP lớn thứ hai Ukraine đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của hỏa lực Nga, được bảo vệ theo kiểu Israel và mong muốn phương Tây bảo vệ cả Israel lẫn Ukraine.
Trong khi cả Ukraine và Israel đều phải đối mặt với các cuộc không kích từ các quốc gia đối đầu, thì về cơ bản, Israel và Ukraine có những mối quan hệ an ninh khác nhau với Mỹ.
Rất ít quốc gia có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ hơn Israel dù Israel không có hiệp ước phòng thủ với Mỹ. Hai nước chia sẻ thông tin tình báo có mức độ bí mật cao và hợp tác rộng rãi về các chính sách khu vực.
Theo thỏa thuận 10 năm được ký kết vào năm 2019, Washington cam kết cung cấp cho Israel 38 tỉ USD viện trợ quân sự cho đến năm 2028. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ về các hệ thống quân sự tiên tiến, bao gồm hệ thống phòng không Vòm Sắt mà Israel sử dụng để ngăn chặn hỏa lực Iran tấn công.