“Một anh Tây nằm sấp dài trên đường ray, úp mặt xuống, tạo dáng độc đáo cho bạn chụp ảnh. Tôi đứng trên đường ray như bị hóa đá, ngỡ ngàng trước một cảnh kỳ cục chưa từng thấy”.
Đó là những dòng trong cuốn Phố nhà thờ của tác giả Marko Nikolić, một người Serbia khi lần đầu thấy phố đường tàu ở Hà Nội. Marko Nikolić dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 2014 và quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Cảm nhận trên không chỉ của riêng nhân vật trong tiểu thuyết mà chắc chắn của rất nhiều người nước ngoài khi đến với phố đường tàu. Ở đó, người ta có thể trải nghiệm được những điều đặc biệt riêng có ở Hà Nội.
Vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm một đoàn tàu chuyển động đi qua những khu dân cư cũ kỹ và chật chội. Khi chuyến tàu đi qua, nhịp sống trở lại bình thường. Phố đường tàu có thể nói là đặc sản du lịch Hà Nội, một sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ thu hút du khách quốc tế mà cả người Việt.
|
Không chỉ là đặc sản riêng có của Hà Nội, ở Thái Lan còn có một khu chợ đường tàu được coi là nguy hiểm nhất thế giới có tên là Maeklong. Khu chợ này cách thủ đô Bangkok hơn 70 km về phía tây. Mặc dù được nhiều tạp chí du lịch nước ngoài gọi nơi này là “khu chợ nguy hiểm nhất thế giới”, tuy nhiên đến nay khu chợ vẫn tồn tại. Thậm chí có du khách nước ngoài còn nhận định ở đây có một “sự hỗn loạn” có tổ chức.
Duy trì phố đường tàu hay cấm đoán nó một cách tuyệt đối cũng là một câu chuyện luôn tạo ra nhiều tranh cãi và điều này cũng khiến cho chính quyền đôi lúc cũng bị động trong cách ứng xử của mình.
Nói như TS - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội: “Không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách”.
Tuy nhiên, nếu có một sự cộng sinh hài hòa giữa nhu cầu của du khách và người dân trong những nguyên tắc của sự an toàn và giới hạn không gian, phố đường tàu có thể là một sản phẩm du lịch độc đáo của thủ đô.